11
/
104006
Sẽ có mô hình đại học đa ngành 'chưa từng có' ở Việt Nam
se-co-mo-hinh-dai-hoc-da-nganh-chua-tung-co-o-viet-nam
news

Sẽ có mô hình đại học đa ngành 'chưa từng có' ở Việt Nam

Thứ 6, 22/01/2021 | 12:00:05
708 lượt xem

Lãnh đạo nhiều trường đại học cho biết đang chuẩn bị thành lập đại học đa ngành, trong đó có trường khẳng định nếu thành công sẽ hình thành một mô hình quản trị đại học hoàn toàn mới ở Việt Nam.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Trường này dự kiến sẽ có 6 trường thành viên khi trở thành ĐH 

ẢNH: KIM CHI

Xóa đơn vị hành chính bộ môn

Theo PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội, nếu căn cứ vào các điều kiện, trường chỉ cần thực hiện vài động thái mang tính hành chính là đã có thể có 3 trường ĐH trực thuộc, đủ điền kiện để trở thành ĐH. “Theo quy định, một trường ĐH trực thuộc tối thiểu phải có 2.000 sinh viên (SV), 5 chương trình ĐH, 3 chương trình thạc sĩ, 1 chương trình tiến sĩ. 

Với nguồn lực hiện tại, trường đáp ứng yêu cầu này. Tuy nhiên, để các bộ phận vận hành trơn tru thì phải xây dựng kỹ lưỡng từng chi tiết trong đề án. Vừa xây dựng, vừa trao đổi, thảo luận, vừa truyền thông tốt cho cán bộ để đồng thuận. Vì thế mà chúng tôi cần thời gian”, PGS Điền nói. Ông Điền cũng cho biết thêm: “Dự kiến, tháng 6.2021 sẽ thành lập các trường ĐH trực thuộc. 

Kế hoạch của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là sẽ thành lập 6 trường, gồm: cơ khí; hóa - sinh - môi trường; công nghệ thông tin; kinh tế quản lý - khoa học xã hội; điện - điện tử; vật lý - khoa học vật liệu. Tháng 9 trường sẽ trình đề án lên Thủ tướng Chính phủ”. 

Cũng theo ông Điền, hiện tại lãnh đạo nhà trường cần tất cả cán bộ, giảng viên của trường đồng thuận cùng lãnh đạo nhà trường xây dựng một mô hình ĐH mới hoàn toàn ở VN. Theo đó, cần phải thay đổi tư duy hoàn toàn về quản trị ĐH, xóa bỏ tư duy cục bộ. Về tổ chức hành chính là xóa bỏ hết đơn vị hành chính bộ môn. Ở cấp trường, sẽ tách quản lý hành chính - nhân sự ra khỏi quản lý chuyên môn…

Bỏ quan niệm trường y là đơn ngành

Theo GS Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, việc coi trường y đào tạo đơn ngành là không thỏa đáng với thực tế đào tạo lĩnh vực sức khỏe của các nước có nền giáo dục ĐH phát triển. Ở các nước, răng hàm mặt, y tế công cộng, điều dưỡng là những trường riêng. 

Hiện tại, Trường ĐH Y Hà  Nội có đủ các ngành đó. Vì thế có thể xem Trường ĐH Y Hà Nội là một trường đào tạo đa ngành chứ không phải đơn ngành. Nếu vì muốn “đa ngành” theo cách hiểu như hiện tại của xã hội mà cho rằng Trường  ĐH Y Hà Nội muốn lên ĐH phải mở thêm các ngành như điện - điện tử, cơ khí... gì đó thì không ổn.

Có cần đổi tên khi thành đại học?  

Theo PGS Nguyễn Hoàng, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Thương mại, trong chiến lược phát triển của trường có mục tiêu xây dựng Trường ĐH Thương mại thành ĐH đa ngành. “Đúng là cái tên Thương mại cũng sẽ là một khó khăn đáng kể để trường thành ĐH đa ngành. 

Nhưng trên thực tế nhiều trường đã mở đa ngành thành công mà không cần phải đổi tên. Nếu mở rộng ngành đào tạo thì cũng theo hướng các ngành mới cận kề với lĩnh vực kinh tế - kinh doanh. Sẽ ưu tiên các ngành về công nghệ, về trí tuệ nhân tạo”, PGS Nguyễn Hoàng cho biết. “Chúng tôi quan niệm, xây dựng ĐH đa ngành là để cơ sở đào tạo lớn mạnh hơn, vươn tới đẳng cấp cao hơn. 

Muốn vậy, các ngành đào tạo phải cùng trong một khối ngành, hoặc có mối liên quan mật thiết, thì mới có tác dụng hỗ trợ lẫn nhau. Ví dụ, giảng viên các môn khoa học cơ bản, y học cơ sở của trường có thể dạy cho SV các trường y tế công cộng, điều dưỡng, cho SV hệ đào tạo bác sĩ…”, GS Tạ Thành Văn nói. GS Tạ Thành Văn cũng cho biết kế hoạch phát triển của trường trong 5 năm tới đặt mục tiêu xây dựng Trường ĐH Y Hà Nội thành ĐH Y Hà Nội. 

Theo đó, ĐH Y Hà Nội sẽ có các đơn vị thành viên, gồm các trường ĐH răng hàm mặt, y tế công cộng, điều dưỡng. Ngoài ra trường cũng sẽ xây dựng các viện nghiên cứu trên cơ sở các trung tâm nghiên cứu trực thuộc trường, trực thuộc các viện đào tạo. Trường cũng muốn đào tạo ngành dược. Y với dược là 2 ngành chung nhau nền tảng kiến thức khoa học cơ bản.

Phát triển ĐH dựa trên thế mạnh sẵn có

Theo PGS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, trường cũng đặt mục tiêu trở thành ĐH đa ngành trong kế hoạch 5 năm tới. 

Cụ thể, trong thời gian sắp tới, trường sẽ thành lập 3 trường trực thuộc, gồm: trường kinh tế, trường kinh doanh, trường khoa học công nghệ. Với 2 trường kinh tế và kinh doanh, trường đã đủ điều kiện. Còn trường khoa học công nghệ, trường cần phải chuẩn bị thêm, với hạt nhân hiện tại là ngành công nghệ thông tin. “Trường sẽ lựa chọn những ngành phù hợp với điều kiện và năng lực phát triển của nhà trường, tập trung vào phát triển công nghệ thông tin và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo ứng dụng trong kinh tế và quản lý kinh doanh. 

Mục đích của trường là làm sao để cung cấp cho xã hội những chuyên gia kinh tế - kinh doanh nhưng giỏi công nghệ, đem công nghệ đó phục vụ cho hoạt động quản lý kinh tế và kinh doanh”, PGS Phạm Hồng Chương nói. TS Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho biết trường này vốn dĩ đã đào tạo đa ngành.

“Nhưng năm nay và các năm tiếp theo, trường vẫn sẽ mở các ngành mới trong các lĩnh vực hiện trường đang đào tạo. Trường chưa vội trong việc “lên đời” thành ĐH là bởi trường muốn tìm phương án tốt nhất, để làm sao việc trở thành ĐH là thực chất, tận dụng thế mạnh trường đang có”, TS Thực nói.

Theo Báo Thanh niên

https://thanhnien.vn/giao-duc/se-co-mo-hinh-dai-hoc-da-nganh-chua-tung-co-o-viet-nam-1332456.html


  • Từ khóa

Trường học không bàn ghế tại New Zealand

Trường học thiên nhiên đang trở nên phổ biến tại New Zealand, giúp trẻ phát huy những kỹ năng cần thiết cho xã hội trong tương lai.
09:31 - 18/04/2024
250 lượt xem

Tuyển sinh lớp 10: 'Cân não' lựa chọn nguyện vọng

Ngày 19.4 là thời điểm đồng loạt học sinh lớp 9 trên địa bàn TP.Hà Nội sẽ nộp phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 năm học tới. Việc 'cân não' để lựa chọn...
07:47 - 18/04/2024
282 lượt xem

Kiên trì con đường đổi mới

Sự xuất hiện của môn Khoa học tự nhiên (KHTN) trong Chương trình GDPT 2018 được xem là một điểm sáng.
15:21 - 17/04/2024
688 lượt xem

Quá tải tuyển sinh đầu cấp, nội thành Hà Nội vẫn "khát" học sinh

Học sinh đầu cấp của Hà Nội tăng từ vài ngàn đến vài chục ngàn mỗi năm nhưng một số quận nội thành rơi vào tình trạng thiếu người học nếu tuyển sinh đúng...
14:55 - 17/04/2024
723 lượt xem

Thi đánh giá năng lực: Có điểm rồi, sử dụng ra sao?

Hiện có 105 cơ sở giáo dục đăng ký sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM để xét tuyển. Năm nay các trường sẽ xét tuyển...
11:06 - 17/04/2024
784 lượt xem