19
/
61261
Sen ở làng Sen quê Bác, tháng Năm…
sen-o-lang-sen-que-bac-thang-nam
news

Sen ở làng Sen quê Bác, tháng Năm…

Thứ 7, 19/05/2018 | 09:40:38
919 lượt xem

Về quê Bác là về làng Sen. Dường như hoa sen nở trước hàng trăm năm ấy để chuẩn bị cho việc sinh ra một con người đẹp nhất vào ngày 19/5/1890.

Ở làng Sen, từ xa xưa sen đã ở với người. Sen trong ao nhà, sen ở ngõ làng, sen giữa những cánh đồng bát ngát… Sen làm nên tên làng. Sen làm nên hồn người. Và làng Sen đã nở ra một đóa sen thơm, đã hun đúc nên một con người Việt Nam đẹp nhất: Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng!

Từ Vinh, con đường về làng Sen quê Bác là con đường với bao cảnh sắc thân thuộc. Con đường ấy chỉ dài 15 cây số mà miên man trong tôi hàng ngàn ký ức từ vọng về lịch sử và những kỷ niệm tuổi thơ… Đây cửa hàng giải khát Trà Bồng, hiệu kem Cửa Nam của thời Miền Bắc XHCN. Cốc xi-rô, miếng kẹo lạc thật thà ngày ấy còn thơm ngon đến tận bây giờ!

sen o lang sen que bac thang nam hinh 1

Ao sen bên lối vào quê nội Bác Hồ. (Ảnh: C.Mạnh/Báo Phú Yên)

Đây Cửa Tiền, con sông thuyền bè tấp nập, con sông xưa trong xanh từng  tắm mát bao tuổi thơ Vinh. Cửa Tiền nối sông Lam với kênh Nhà Lê - con đường thủy được Lê Hoàn xây dựng, chảy qua thời Nguyễn Huệ dùng để vận chuyển quân lương từ Miền Trung ra Miền Bắc và ngược lại, đồng thời là một công trình thủy lợi độc đáo tưới mát cho những cánh đồng khô hạn của vùng Hoan Diễn trong suốt chiều dài lịch sử.

Đây Chùa Sư Nữ, ngôi chùa có từ năm 886. Nó nổi tiếng vì không chỉ là một ngôi chùa cổ, còn giữ được bộ kinh quý từ thời nhà Đường, nhiều tượng Phật và đồ thờ quý giá mà còn vì trụ trì chùa từ xưa đến nay đều là sư nữ, trong đó có nhiều trang giai nhân tuyệt sắc, có cả quận chúa thời nhà Nguyễn.

Hồi nhỏ, vào những năm 60, tôi theo một ông chú đến chùa, được gặp Ni trưởng Thích Diệu Niệm và ấn tượng đó không bao giờ phai nhạt. Bà sinh năm 1925, mất năm 1998. Sắc đẹp và lòng nhân ái của bà nổi tiếng khắp vùng. Năm 1945 và qua hai cuộc kháng chiến, bà thường mở rộng cửa chùa cứu đói, chữa bệnh cho dân nghèo hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Không chỉ kinh kệ mà bà còn giỏi thơ văn, tinh thông nhiều lĩnh vực và tích cực tham gia hoạt động xã hội. 

Hai lần về thăm quê, Bác Hồ đều đến Chùa Sư Nữ, Ni trưởng Thích Diệu Niệm được hai lần đón Bác. Ở chùa này, gần đây có một ao sen trắng, chỉ sen trắng mà thôi, mỗi năm nở hai lần, ai cũng cho là đẹp, hiếm và lạ!

Qua Chùa Sư Nữ một đỗi ngắn là đến Hưng Nguyên, gặp Đài liệt sĩ Thái Lão. Nơi đây, ngày 12/9/1930, máy bay thực dân Pháp đã ném bom và xả súng vào 8.000 nông dân các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn biểu tình trong Phong trào Xô-viết Nghệ Tĩnh, làm 217 người chết và 125 người bị thương. Năm 1961, Bác Hồ đã đến đây đặt vòng hoa và đứng lặng hồi lâu. Tháng 2, Bác mới chủ trì Hội nghị thành lập Đảng, mà tháng 9, lòng dân theo Đảng đã ngùn ngụt cháy, sự hy sinh vì Đảng, vì Nước đã to lớn khôn cùng… Có ai có thể quên dân, quên những trang sử hào hùng khi có lòng dân theo Đảng?

***

Con đường lên quê Bác ngày xưa theo lối người đi bộ và đi xe đạp thật dài. Dài và đẹp. Cái dài làm cho bước hành hương thêm ý nghĩa. Cái đẹp của thiên nhiên làng quê nước Việt thật gần gũi mà lung linh, huyền diệu. Trên con đường về quê Bác năm nay bằng ô tô lướt qua những xóm làng dọc QL 46 như phố thị, tai tôi lại văng vẳng đoạn văn của Hoài Thanh và Thanh Tịnh mà chúng tôi thuộc lòng trong tiết giảng văn “Phong cảnh quê Bác” ở cấp hai:

“Trước mắt chúng tôi, giữa hai dãy núi là nhà Bác với cánh đồng quê Bác. Nhìn xuống cánh đồng có đủ các màu xanh, xanh pha vàng của ruộng mía, xanh rất mượt mà của lúa đương thì con gái, xanh đậm của những rặng tre; đây đó một vài cây phi lao xanh biếc và nhiều màu xanh khác nữa…”. Ôi làng quê Việt Nam! Nhớ “Hoa mướp cuối mùa vàng rực như sao” trong thơ Huy Cận. Nhớ sao “Thôn trước thôn sau tựa khói lồng/ Bóng chiều bên có lại bên không/ Mục đồng thổi sáo trâu về hết/ Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng” (Trần Nhân Tông).

sen o lang sen que bac thang nam hinh 2

Con đường Làng Sen bây giờ. Bên trái là cây đa và sân vận động, nơi Bác Hồ đã gặp gỡ và trò chuyện với dân làng trong những lần về thăm quê, năm 1957 và 1961. (Ảnh: Hà Thành)

Và Hoài Thanh năm 1961 (chắc cũng lần về quê Bác) viết về làng Nghi Trung quê ông sau 30 năm xa: “Xa xa đã trông thấy những ngọn tre lơ thơ đàng sau khoảnh vườn cũ. Những ngọn tre ấy thân yêu biết mấy đối với tôi. Ngày xưa, những lần đầu tôi phải xa nhà lên tỉnh học, khi ngoảnh lại nhìn mấy ngọn tre đu đưa, nước mắt tôi cứ trào ra, không sao cầm lại được. Trong đầu óc non trẻ của tôi hồi bấy giờ, giữa cuộc sống tràn đầy lạnh nhạt, gian dối và ác độc, chỉ nơi đây là có tình thương. Giờ đây, cuộc sống đã thay đổi và cách tôi nhìn cuộc sống cũng đã thay đổi, nhưng mấy ngọn tre kia trong lòng tôi vẫn có một vị trí riêng”.

Lại nhớ tre!. “Nước Việt Nam xanh muôn vàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa…Bóng tre trùm lên âu yếm làng, bản, xóm, thôn. Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái chùa cổ kính. Dưới bóng tre xanh, ta gìn giữ một nền văn hóa lâu đời”. Ấy vậy mà cây tre ngàn đời ấy bây giờ đã hiếm. Tre bị chặt phá trong phong trào cải tạo vườn tạp. Tre và làng khuất hẳn trong cơn lốc đô thị hóa, trong những cơn sốt bần bật của thị trường bất động sản…

Chả lẽ một ngày nào đó, con cháu ta khi đọc về tre lại tra trong từ điển như một từ Việt cổ? Khi ai đó ruồng rẫy tre, vẫn còn nhiều người yêu tre lắm. Tre đã làm nên kiến trúc Võ Trọng Nghĩa lừng danh ở Nhật Bản. Tháng 5/2018, cô gái Hà Nội Trần Thạch Thảo sinh năm 1995 đã đoạt giải tài năng cuộc thi thiết kế nội thất Mỹ với cảm hứng từ cây tre và sự cần nối tiếp của các thế hệ. Không có gì bỏ đi, nhất là những điều không thể làm lại!

***

Về quê Bác là về làng Sen. Mắt nhìn đầu tiên là sen. Cảm xúc đầu tiên là sen.

Tên “Cồn Sen”, “Làng Sen”, “Kim Liên” có từ lâu đời cùng với hoa sen. Dường như hoa sen nở trước hàng trăm năm ấy là để ướp hương cho trời đất một vùng, để chuẩn bị cho việc sinh ra một con người đẹp nhất vào ngày 19/5/1890; con người sẽ giải phóng dân tộc, sẽ “vạch đường đi cho dân tộc theo đi” vào thế giới văn minh, hiện đại, sánh vai cùng cường quốc năm châu.

Hoa sen có nhiều nơi trên thế giới, mang giá trị “cái đẹp phổ quát”. Theo kinh Lalitavistara, phần tâm linh của con người thì vô nhiễm, giống như hoa sen mọc trong bùn mà không bị hôi tanh mùi bùn. Trước Công nguyên, các tín đồ của đạo Phật đã gắn hoa sen với Đức Phật với một nhận thức, một hàm ý: sen chứa đựng những gì trong sạch, cao quý, kết tinh nhất của tâm hồn và trí tuệ con người.

sen o lang sen que bac thang nam hinh 3

Những chi tiết kiến trúc, điêu khắc ở quần thể khu di tích Kim Liên ở Làng Sen được lấy từ hình tượng hoa sen. (Ảnh: Hà Thành)

Ở Việt Nam, đâu cũng có sen. Sen mênh mông Đồng Tháp Mười, sen quấn quýt với bờ tre, ruộng lúa trên đồng bằng Bắc Bộ. Sen nở dọc miền Trung làm dịu đi cả một miền cát cháy. Sen trên bàn thờ mỗi nhà. Sen trong văn chương, nghệ thuật. Sen trong lời nói thường ngày. Sen cùng người đi qua năm tháng: Sen tàn, cúc lại nở hoa; Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao. Sen là tình nghĩa thủy chung: Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng. Sen là đạo đức, phẩm hạnh: Nhụy vàng bông trắng lá xanh/ Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Không chỉ hoa, mà lá sen không thấm nước, cũng là biểu tượng của sự sạch sẽ, sự tự làm sạch mình, không “tự diễn biến”.

Sen là kỷ niệm thơm mát tuổi học trò: Học trò trường huyện ngày năm ấy/ Anh tuổi bằng em lớp tuổi thơ/ Những buổi học về không có nón/ Đội đầu chung một lá sen tơ. Sen là vị thuốc quý có thể chữa được nhiều thứ bệnh, nhất là làm cho con người dễ ăn, dễ ngủ, xua tan được sự ưu phiền trong cõi thế nhọc nhằn, làm cho tâm hồn thanh thái…

Năm 1822, vua Minh Mạng đã cải tạo một khúc sông cũ thành hồ sen gọi là Hồ Tịnh Tâm, có điện, các và ông thường ra đấy để tu tâm, dưỡng tính, tránh căng thẳng, mệt mỏi vì triều chính…

Sen ở làng Sen lại càng đặc biệt. Ở đây, từ xa xưa sen đã ở với người. Sen trong ao nhà, sen ở ngõ làng, sen giữa những cánh đồng bát ngát… Sen làm nên tên làng. Sen làm nên hồn người. Và làng Sen đã nở ra một đóa sen vàng, đã hun đúc nên một con người Việt Nam đẹp nhất.

Sen làng Sen ngày xưa mọc nhiều và lan theo mặt nước một cách tự nhiên. Nhưng cũng nhiều thời kỳ do khai thác hết mọi diện tích để trồng lúa và cây lương thực, bóng sen có lúc tưởng đã lụi tàn. Những năm gần đây, sen đã được gầy dựng lại, không chỉ ở làng Sen mà còn các xã khác của Nam Đàn. Ao nối ao, sen thơm suốt dọc đường của bước chân du khách. Hoa sen ở đây không bán, mà chỉ để làm đẹp cảnh làng, để dâng lên bàn thờ của Bác trong suốt cả mùa hoa. Bàn thờ Bác không chỉ ở Nhà Tưởng niệm của Khu Di tích mà có trong nhà mỗi người dân Kim Liên cùng với bàn thờ gia tiên.

Gặp ông T., chủ ao sen cạnh đình Kim Liên, tôi được biết, chính quyền địa phương và một doanh nghiệp đã đầu tư hoàn toàn cho việc trồng sen, người dân chỉ việc chăm sen và hưởng lợi từ hạt sen, tâm sen, lá sen. Bởi thế, sen làng Sen nói riêng, ở Nam Đàn nói chung, ngày càng nhiều, càng đẹp…

***

Học giả Bùi Dương Lịch thế kỷ 18 cho rằng, người Xứ Nghệ có tính chất phác, hồn hậu. Người lính Xứ Nghệ trung thành, quả cảm, nếu khéo dùng sẽ trở nên vô địch. Đậm đà tính cách hiền hậu, giỏi giang Xứ Nghệ là người Kim Liên, Nam Đàn. Anh bạn Nguyễn Bá Tân của tôi, trước làm báo Nghệ An, sau ra Đại đoàn kết, khi ai hỏi về quê, anh trả lời: “Thường thôi, quê Bác”. Câu này dân gian vẫn nói. Sau niềm tự hào là một nhắc nhở: Làm người dân quê Bác phải tốt hơn, phải cách mạng hơn, phải không được làm ảnh hưởng danh dự quê hương.

Đến Kim Liên, ngoài việc viếng thăm nhà Bác, vào sâu hơn sẽ thấy hình ảnh một xã hội Nghiêu Thuấn với những quan hệ con người vô cùng thân thiết. Ngày xưa cũng đã vậy, tối lửa tắt đèn, sướng khổ có nhau. Năm 1901, thân phụ Bác Hồ là Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng, dân làng Sen đã góp nhau một ngôi nhà gỗ mái mía để đón để làm nơi ở và đón cụ vinh quy. Chao ôi, cái nghèo! Nhìn cái bếp đơn sơ, nhìn tấm phản Bác và anh Khiêm của Bác nằm ngày nhỏ, không ai là không bồi hồi nhỏ lệ…

sen o lang sen que bac thang nam hinh 4

Gian nhà ngoài có bộ phản cụ Nguyễn Sinh Sắc dùng để tiếp khách. Ở đây, Bác Hồ đã cảm nhận và lĩnh hội tình yêu nước từ người cha và các nhân sỹ xứ Nghệ. (Ảnh: Hà Thành)

Tháng 5 này, tôi đã có dịp trò chuyện lâu hơn với chị Bùi Thị Đảm và các chị em trong Phòng Tuyên truyền – giáo dục của Khu Di tích. Họ chủ yếu làm công việc thuyết minh, và sự xúc động từ sâu thẳm trái tim của họ đã làm xúc động mọi đoàn khách.

Chị Đảm quê Nam Giang và đã có hàng chục năm công tác ở đây. Làm thuyết minh, lương không cao, ít có điều kiện để “thăng tiến” theo kiểu nhiều người vẫn nghĩ. Vậy mà bao thế hệ đã gắn bó không rời. Cùng với niềm tự hào được giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Bác thì còn có nhiều điều khác nữa, không thể nói thành lời. Không phải khi thuyết minh, mà khi nói chuyện bình thường, họ cũng không cầm được nước mắt: càng hiểu, càng thương Bác, mồ côi mẹ từ sớm và suốt đời không được có người thân ở bên cạnh. Điều ấy người thường ai cũng có, riêng Bác thì không. Bác đã hy sinh tất cả cho dân cho nước.

Càng hiểu, càng thấy Bác vô cùng vĩ đại ở những điều nho nhỏ, bình thường nhất, ở sự gần gũi không hề có khoảng cách với tất cả chúng ta. Mỗi ngày hiện nay, có khoảng 50-70 đoàn khách đến thăm quê Bác, không kể những người dân tự đến.

Một cựu chiến binh Mỹ bày tỏ: “Tôi đến thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh để tìm hiểu về con người, văn hóa Việt Nam; hiểu vì sao chúng tôi thua trận và ra về tôi bỗng thấy như mình đang mang trái tim Việt Nam”. Một nhà sư Bhutan thổ lộ: “Đến đây, tôi càng hiểu hơn và vô cùng cảm phục Hồ Chí Minh. Tôi đã hiểu vì sao người Việt Nam yêu Bác Hồ của họ đến thế. Bây giờ tôi cũng yêu Bác Hồ như người Việt Nam”… Có lẽ, những điều ấy, càng làm cho Đảm, cho Oanh, cho Huyền, cho Hà, cho Hải… càng tự hào, càng hạnh phúc với công việc của mình. Và tôi thấy họ thật sự là những bông sen đẹp của làng Sen!

***

Cách đây 20 năm, nét nghèo khổ, ưu tư của người dân quê Bác còn hiện rõ trên nếp nhăn ưu tư của người mẹ nghèo ngồi chờ bán cho du khách từng quả cam, quả đu đủ vọm vẹo vườn nhà. Bây giờ không còn cảnh ấy. Kim Liên đã thay đổi nhiều, đã giàu có hơn. Khu Di tích đã được mở rộng với nhiều hạng mục công trình hiện đại. Rất nhiều ki-ốt bán quần áo, tranh ảnh, đồ ăn được bày bán. Và chật chội những cây trồng lưu niệm. Tôi bỗng nhớ, bỗng thèm cái nguyên sơ vốn có.

Tôi đã được đến thăm mộ Nguyễn Du khi còn là “sè sè nấm đất bên đàng”. Ấy vậy mà ấn tượng, mà xúc động hơn mọi thứ tượng đài. Tôi muốn ở quê Bác, có bán cái gì cũng không bán sản phẩm chất lượng thấp, xập xí xập ngầu…; muốn những công trình khác không che lấp ngôi nhà, ngôi vườn đơn sơ mộc mạc của Bác. Như thể hoa sen cứ lặng nở, cứ thơm ngát trong đầm…/.

Theo Nguyễn Sĩ Đại/VOV.VN

  • Từ khóa

Việt Nam đăng cai Nam vương Thế giới 2024

Sau khi tổ chức thành công những cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế, Hoa hậu Trái đất... Việt Nam tiếp tục được lựa chọn làm nước chủ nhà cuộc thi Nam...
11:59 - 19/03/2024
111 lượt xem

Người nước ngoài yêu Hà Nội vì những điều đáng ngạc nhiên

Với rất nhiều người nước ngoài đến Việt Nam, Hà Nội là nơi họ không thể bỏ qua.
07:18 - 19/03/2024
192 lượt xem

Đà Lạt: Hàng chục dự án 'dính' vùng I thắng cảnh hồ Tuyền Lâm

Ngày 17.3, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đã giao Ban Quản lý Khu du lịch quốc gia (KDLQG) hồ Tuyền Lâm chủ trì phối hợp Sở VH-TT-DL và các đơn vị, địa...
15:56 - 18/03/2024
547 lượt xem

"Hợp ca Quê hương" tham dự Liên hoan Hợp xướng Paris

Liên hoan Hợp xướng quốc tế Paris lần thứ 26-2024, diễn ra ngày 16-3 tại Paris - Pháp, là cuộc hội ngộ của những người yêu nghệ thuật hợp xướng.
15:25 - 18/03/2024
561 lượt xem

'Dune 2' đạt 500 triệu USD, Việt Nam vào top 5 doanh thu 'Kung Fu Panda 4'

Dune: Part Two (Dune 2) của đạo diễn Denis Villeneuve đang thu về 500 triệu USD trên toàn cầu; trong đó, cuối tuần qua, thị trường nước ngoài đã mang về...
14:31 - 18/03/2024
594 lượt xem