4
/
107984
Nói không với tín dụng “đen”
noi-khong-voi-tin-dung-den
news

Nói không với tín dụng “đen”

Thứ 5, 15/04/2021 | 11:11:58
1,030 lượt xem

Thời gian gần đây, hoạt động tín dụng “đen” (TDĐ) có giảm song vẫn diễn biến phức tạp với nhiều hình thức khác nhau. Do lãi suất quá cao, không ít người không trả được nợ, gia đình bị đe dọa...

Nhiều chiêu trò

Nhiều tờ rơi quảng cáo cho vay tiền theo hình thức tín dụng đen được dán trên cột điện thuộc địa bàn TP Bắc Giang.

Nhiều tờ rơi quảng cáo cho vay tiền theo hình thức tín dụng đen được dán trên cột điện thuộc địa bàn TP Bắc Giang.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Bắc Giang, hoạt động TDĐ là giao dịch dân sự, cho vay nặng lãi. Người vay không cần thế chấp tài sản trong khi thủ tục đơn giản, nhanh. Đánh vào tâm lý ngại làm thủ tục vay vốn qua ngân hàng của người dân, nhiều đối tượng sử dụng chiêu trò mời chào hấp dẫn qua mảnh giấy dán trên tường, cột điện như: Chỉ cần chứng minh nhân dân, giải ngân trong vòng "một nốt nhạc", lãi suất thấp; vay tín chấp, lãi suất linh hoạt; "chỉ cần alo, một phút có ngay tiền"… 

Thời gian gần đây, có đối tượng còn quảng cáo cho vay qua zalo, facebook, qua ứng dụng của điện thoại thông minh… Cũng vì thủ tục đơn giản, nhanh gọn mà nhiều người sập “bẫy”.

Những ngày cuối tháng 3 và đầu tháng 4 vừa qua, gia đình chị D.T.T.C, tổ dân phố số 1, thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) liên tục bị một số đối tượng ném chất bẩn, gạch vào nhà. Lý do là cách đây hơn hai năm, chị C vay của Nguyễn Hồng Sơn, thôn Hoàng Lại, xã Thanh Vân (cùng huyện) 30 triệu đồng, lãi suất hơn 3 nghìn đồng/triệu đồng/ngày song đến hạn không trả được nợ.

Không chỉ vậy, không ít người còn cả tin đối tượng đi vay sẽ trả mức lãi suất cao gấp nhiều lần so với ngân hàng nên gom toàn bộ tiền tích lũy của gia đình cho vay TDĐ, hậu quả "mất cả chì lẫn chài". 

Năm 2020, toàn tỉnh phát hiện 14 vụ việc liên quan đến TDĐ, trong đó khởi tố 11 vụ do cưỡng đoạt tài sản, cho vay lãi nặng, cướp tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, cố ý làm hư hỏng tài sản, tập trung ở huyện Lục Ngạn, Việt Yên… 3 tháng đầu năm nay, tại TP Bắc Giang khởi tố 1 vụ liên quan hoạt động này.

Ví như cách đây chừng 2 năm, bà N.T.L, thôn Tân Sơn 1, xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) cho Ng.T.H vay hơn 200 triệu đồng với mức lãi suất hơn 3 nghìn đồng/triệu đồng/ngày nhưng đến nay bà H vẫn không trả được tiền gốc và lãi. 

Theo bà L, thời điểm vay, bà H hứa sẽ trả lãi theo tháng và gốc sau một năm tuy nhiên do làm ăn thua lỗ, bà H rời quê vào miền Nam nên không thể đòi được nợ. Nhiều hộ cùng thôn cho bà H vay hàng trăm triệu đồng cũng rơi vào cảnh tương tự.

Người cho vay TDĐ thu lợi bất chính lớn từ hoạt động này. Tháng 5 năm ngoái, do vay TDĐ với lãi suất cao của Nguyễn Hồ Bắc, trú tại số nhà 64, đường Huyền Quang, phường Lê Lợi không trả được nợ đến hạn nên bà Bùi Thị Chinh, phường Xương Giang (TP Bắc Giang) bị một số thanh niên bạo hành. 

Hay như gần cuối năm ngoái, bà Trần Thị Chiện, thôn Phúc Hạ, xã Song Mai (TP Bắc Giang) tố cáo Hà Thị Ngọc, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) cho bà vay 65 triệu đồng, lãi suất 3 nghìn đồng/triệu đồng/ngày. Bà Ngọc thu bất chính khoảng 163 triệu đồng.

Được biết hoạt động TDĐ diễn biến phức tạp. Lãi suất cho vay khá cao, từ 3-5 nghìn đồng/triệu đồng/ngày. Lãi mẹ đẻ lãi con, nợ chồng nợ trong khi nhiều người đi vay kinh doanh thua lỗ hoặc sử dụng tiền vay chơi lô đề, cờ bạc nên không trả được nợ. 

Để “lách luật”, hầu hết các đối tượng cho vay nặng lãi viết giấy cho vay chỉ ghi tổng số tiền chứ không ghi mức lãi suất. Hai bên tự thỏa thuận mức lãi và trừ ngay vào khoản tiền vay. Đáng lo ngại, khi thấy người vay không còn khả năng trả nợ, có đối tượng đã gây áp lực cho gia đình, người thân và người vay để đòi tiền.

Kiên quyết xóa TDĐ

Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động TDĐ diễn ra thời gian qua là do nhiều người dân vẫn còn thiếu hiểu biết, người đi vay chủ yếu khó khăn về tài chính, không chứng minh được thu nhập và không có tài sản thế chấp nên khó tiếp cận vốn ngân hàng. Đối tượng hoạt động TDĐ bất chấp quy định của pháp luật, lén lút cho vay nặng lãi nhằm trục lợi bất chính.

Hiện nay, lực lượng chức năng rất khó phát hiện hành vi này vì đối tượng hoạt động TDĐ viết giấy vay nợ thành nhiều tờ riêng biệt, không có sổ và không ghi lãi suất mà tự thỏa thuận miệng để đối phó khi bị kiểm tra. Người đi vay hầu như cũng không có chứng cứ tố cáo đối tượng cho vay nặng lãi. 

Hơn nữa, bị hại thường không hợp tác để xác định hành vi vi phạm của các đối tượng, thường từ chối giám định thương tích, không cung cấp tài liệu, chứng cứ... nên khó có căn cứ xử lý.

Hoạt động TDĐ không chỉ gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội mà còn khiến nhiều người rơi vào cảnh tán gia bại sản, ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Đơn cử trường hợp của chị Ng. T. H, thôn Liên Sơn, xã Tân Dĩnh, cách đây 3 năm, do tin vào người bạn đã gom góp toàn bộ số tiền đi lao động tại Nhật Bản và của gia đình khoảng 1,6 tỷ đồng cho Ng.T.Nh ở cùng xã vay. Đến nay, không những không đòi được tiền, chị H còn phải chuyển nhượng mảnh đất ở của gia đình để duy trì cuộc sống.

Để ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng TDĐ, Phó Giám đốc NHNN Việt Nam Chi nhánh tỉnh Nguyễn Thanh Luân cho biết, đơn vị đang tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân, mở rộng, đáp ứng các nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp. 

Trong tháng 3, NHNN ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách vay vốn bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Đồng thời tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay thuận lợi, nhanh gọn, giảm chi phí không cần thiết kết hợp nâng cao hiệu quả hoạt động để có thể giảm lãi suất cho vay.

Lực lượng công an tỉnh chỉ đạo phòng nghiệp vụ, công an các huyện, TP tăng cường điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm; rà soát ổ nhóm liên quan đến TDĐ, cơ sở cầm đồ có dấu hiệu vi phạm pháp luật để tập trung đấu tranh, triệt phá. 

Nhiều ý kiến cho rằng, điều quan trọng là cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao cảnh giác, nói “không” với TDĐ, không cho vay hoặc vay tiền lãi suất cao và chỉ gửi tiền ở những tổ chức tín dụng được phép hoạt động hợp pháp. Người bị hại hãy mạnh dạn tố giác, không để TDĐ lộng hành.

Theo Nhóm PVKT/Báo Bắc Giang

http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/357060/noi-khong-voi-tin-dung-den-.html

  • Từ khóa

Giá vàng tăng vụt cả triệu đồng sau phiên đấu thầu ế khách

Giá vàng miếng SJC giảm hơn 1 triệu đồng/lượng vào buổi sáng, song quay đầu bật tăng trở lại, vượt 83 triệu đồng/lượng chiều bán trong buổi đấu thầu vàng...
09:14 - 24/04/2024
80 lượt xem

Giá vé máy bay nội địa quá cao, vì sao?

Không chỉ vào các kỳ nghỉ lễ, thời gian gần đây giá vé máy bay chặng nội địa luôn neo ở mức cao, gấp 2 - 3 lần so với trước, thậm chí có thời điểm giá vé...
07:41 - 24/04/2024
130 lượt xem

Khuyến cáo người dân không mua bán ngoại tệ tự do

Ngày 23.4, Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP.HCM có công văn gửi các cơ quan ban ngành trên địa bàn thành phố đề nghị phối hợp tuyên truyền đến người dân...
20:19 - 23/04/2024
405 lượt xem

Kinh tế Nga được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn Mỹ

Giữa chiến sự và bị hứng chịu trừng phạt liên tiếp của phương Tây, kinh tế Nga tiếp tục tạo đột phá. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP Nga năm nay tăng...
16:10 - 23/04/2024
510 lượt xem

Rời Vingroup, thương hiệu Vincom liệu có bị ‘xóa sổ’?

Trả lời câu hỏi này, bà Phạm Thị Thu Hiền - tổng giám đốc Vincom Retail, khẳng định đến thời điểm này vẫn chưa có ý định đổi tên thương hiệu “Vincom”.
16:03 - 23/04/2024
509 lượt xem