24
/
56341
Cái giá phải trả cho 'cuộc chiến vì bầu trời xanh' của ông Tập
cai-gia-phai-tra-cho-cuoc-chien-vi-bau-troi-xanh-cua-ong-tap
news

Cái giá phải trả cho 'cuộc chiến vì bầu trời xanh' của ông Tập

Thứ 5, 21/12/2017 | 17:09:44
783 lượt xem

Trung Quốc quyết liệt cấm người dân đốt than đá sưởi ấm vào mùa đông để giảm ô nhiễm, nhưng chưa có giải pháp thay thế phù hợp.

Than đá bị coi là thủ phạm gây ô nhiễm không khí hàng đầu ở miền bắc Trung Quốc. Ảnh: Climate Home.

Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc mùa đông năm nay tận hưởng bầu trời trong xanh, không có dấu về của bụi than ô nhiễm trong không khí như những năm trước. Nhưng trong một ngôi làng ở tỉnh Hà Bắc gần đó, ông Liu Yinguang phải hứng chịu từng luồng gió rét buốt lọt vào nhà, khi lệnh cấm đốt than đá sưởi ấm được chính quyền địa phương thi hành triệt để.

Đây là kết quả của chiến dịch "bàn tay sắt" chống ô nhiễm do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động nhằm thực hiện cam kết về cải thiện môi trường được đưa ra trong Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19. Khắp các tỉnh thành giáp thủ đô ở miền bắc Trung Quốc, các lò hơi đốt than trở nên nguội lạnh, các dự án xây dựng bị đình trệ, nhiều nhà máy bị đóng cửa và các gia đình không được đốt than để sưởi ấm, theo Australian.

Khi mùa đông lạnh giá kéo đến, người dân ở các vùng nông thôn hay khu vực ngoại ô thành phố bắt đầu hứng chịu các hậu quả tiêu cực, khi nhiều người mất việc ở các nhà máy, còn nhà của họ không có hệ thống sưởi ấm cần thiết để chống chịu với cái lạnh tới -9 độ C.

Thu nhập của họ không đủ trang trải chi phí để sử dụng lò sưởi điện, buộc họ phải tìm giải pháp thay thế rẻ hơn cho đốt than là dùng lò sưởi bằng khí đốt. Chính quyền địa phương hứa hẹn sẽ lắp đặt đường ống dẫn khí đốt tới từng nhà, kể cả những ngôi làng xa xôi nhất, giúp họ vượt qua mùa đông mà không phải đốt than gây ô nhiễm.

Thế nhưng ông Liu và hàng trăm gia đình ở làng Lirangdian đã chờ suốt nhiều tháng qua nhưng lò sưởi trong nhà vẫn chưa có gas để đốt. Lệnh cấm đốt than được chính quyền địa phương áp dụng một cách nghiêm ngặt khiến giá khí đốt tăng tới 19% trong tháng 10, trong khi việc lắp đặt hệ thống ống dẫn gas tới từng gia đình gặp rất nhiều khó khăn, theo Bloomberg.

Khi ông Liu than phiền rằng đứa cháu trai 8 tuổi của ông không thể ngủ được vì quá lạnh, một quan chức trong làng chỉ biết động viên ông "kiên nhẫn chờ đợi". Nhưng sự kiên nhẫn cũng có giới hạn và đến đầu tháng 12, chính quyền cho phép người dân trong làng đốt than đá trở lại để sưởi ấm.

Băng rôn có dòng chữ "Bất cứ ai đốt than cũng sẽ bị phát giác" tại một ngôi làng ở Trung Quốc. Ảnh: CMN.

Những câu chuyện như của ông Liu cho thấy thử thách lớn mà ông Tập phải vượt qua trong quá trình thực hiện lời hứa cải thiện chất lượng sống cho người dân Trung Quốc. Sự thay đổi đôi khi được thực hiện quá nhanh, đem lại lợi ích cho tầng lớp trên, nhưng lại khiến những người nghèo phải trả giá.

"Mọi người đang thực sự sốt sắng thực thi chỉ thị từ trung ương, nhưng điều đó có thể gây ra vấn đề lớn nếu được thực hiện một cách cứng nhắc", Andrew Polk, đồng sáng lập tổ chức nghiên cứu Trivium China ở Bắc Kinh, nhận định. "Việc thực thi kém là một vấn đề, nhưng thực thi nhiệt tình quá cũng không phải là tốt".

Chính quyền thủ đô Bắc Kinh từng gặp vấn đề tương tự hồi tháng trước khi trục xuất ồ ạt lao động nhập cư để nhanh chóng thực thi chính sách của ông Tập hạn chế dân số thủ đô ở mức 23 triệu người. Động thái này của chính quyền Bắc Kinh đã vấp phải phản ứng dữ dội trên mạng xã hội.

Chiến dịch cấm đốt than được thực thi một cách quyết liệt sau khi Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia hồi tháng 7 ra tiêu chí đánh giá cán bộ địa phương thông qua thành tích thay thế than đá bằng gas. Một quan chức tỉnh Hà Bắc cho biết giới chức địa phương thi hành chính sách sốt sắng đến mức loại bỏ lò sưởi than khỏi 2,5 triệu hộ ở nông thôn, vượt xa so với chỉ tiêu 1,8 triệu hộ.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ khí đốt mới chỉ chiếm 6% trong nguồn cung năng lượng của Trung Quốc, so với 64% từ than đá, theo số liệu năm 2015 của BP. Trung Quốc chỉ có một số nguồn khí đốt nội địa hạn chế, chủ yếu ở Tân Cương và ngoài biển, cách xa các thành phố. Nguồn cung khí đốt thiếu trầm trọng đến mức các công ty quốc doanh buộc phải đưa xe bồn chở khí hóa lỏng vượt 2.300 km để cung cấp cho các hộ gia đình sưởi ấm.

"Điều mà chính phủ Trung Quốc chưa tính đến là sự phức tạp trong lắp đặt cơ sở hạ tầng cho hệ thống sử dụng khí đốt cũng như khả năng trang trải của nông dân cho loại nhiên liệu này", Tian Miao, chuyên gia năng lượng tại tổ chức tư vấn Everbright Sun Hung Kai ở Bắc Kinh, nói. "Ai cũng muốn bầu trời trong xanh ở thủ đô, nhưng điều đó không thể đánh đổi bằng sự chịu đựng của người thu nhập thấp ở các tỉnh lân cận".

Tuy vậy, Bắc Kinh vẫn đặt ra chỉ tiêu một nửa số hộ gia đình ở miền bắc sẽ dùng "năng lượng sạch", chủ yếu là khí đốt, để sưởi ấm vào năm 2019, và tỷ lệ này tăng lên 70% vào năm 2021. Khí đốt cũng sẽ chiếm 10% trong nguồn cung năng lượng của Trung Quốc vào năm 2020, tương đương 360 tỷ mét khối. Hôm qua, chính phủ nước này đề ra kế hoạch cắt giảm 9% hoạt động sử dụng than đá ở 14 tỉnh phía bắc vào cuối năm 2019.

Trong khi đó, ở làng Lugezhuang, cách Bắc Kinh khoảng 140 km, quá trình lắp đặt đường ống dẫn khí đốt đang bị ngừng trệ vì mặt đất bị đóng băng.

Bà Zhang Shufang, 67 tuổi, buộc phải đốt than để sưởi ấm, dù đã trả 4.000 tệ (600 USD) hồi đầu năm để lắp đặt đường ống dẫn khí đốt vào nhà. "Không có cán bộ nào ở đây. Chẳng ai quan tâm đến cái làng tồi tàn này cả", bà than vãn.

Nhiều người dân Trung Quốc vẫn phải dùng than đá để sưởi ấm khi nguồn cung khí đốt hạn chế. Ảnh: CMN.

Ông Liu cũng chưa biết đến bao giờ nhà mình sẽ được lắp ống dẫn khí đốt, dù đã trả 1.200 tệ để lắp lò sưởi gas hồi đầu năm, khi các quan chức trong làng lập chốt kiểm tra than đá và phạt bất cứ ai vi phạm lệnh cấm đốt than với mức tiền lên tới 2.000 tệ.

Theo nhà phân tích Yanmei Xie tại tổ chức tư vấn Gavekal, trong "cuộc chiến vì bầu trời xanh" của ông Tập hiện nay, tình trạng ô nhiễm không thể giải quyết được chỉ bằng ý chí chính trị, bởi mọi hành động nóng vội và buộc người dân nghèo phải trả giá sẽ không đem lại kết quả giảm ô nhiễm bền vững.

Tại trung tâm cung cấp dịch vụ của Bestsun Energy, công ty chuyên lắp đặt hệ thống ống dẫn khí đốt ở làng của ông Liu, hai nhân viên mặc áo khoác kín mít đang co ro vì lạnh. Chiếc điều hòa hai chiều là thứ duy nhất họ có để chống lại mùa đông khắc nghiệt, bởi ngay cả văn phòng công ty ở đây cũng chưa có khí đốt cho lò sưởi.

Theo Trí Dũng/VnExpress


  • Từ khóa

Vượt qua nỗi đau!

Rạng sáng 12-5, cộng đồng người Việt Nam ở Warsaw choàng tỉnh, bất lực chứng kiến Trung tâm Thương mại Marywilska 44 chìm trong biển lửa
11:00 - 15/05/2024
86 lượt xem

Mỹ tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc: Lời cảnh báo cho các nước khác?

Các mức thuế mới mà chính quyền Tổng thống Joe Biden áp đặt lên Trung Quốc có thể sẽ đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch sản xuất của Trung Quốc sang nơi...
10:18 - 15/05/2024
93 lượt xem

Nga cắt đứt cao tốc nối Liptsy, chỉ còn cách Kharkov gần 40km

Sau khi cắt đứt tuyến đường cao tốc Kharkov-Liptsy, đồng thời bao vây thị trấn chiến lược Volchansk, Quân Nga chỉ còn cách thành phố Kharkov gần 40km.
08:18 - 15/05/2024
151 lượt xem

Trung Quốc là quốc gia đầu tiên Tổng thống Putin đến thăm trong nhiệm kỳ mới

Điện Kremlin và Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều thông tin về chuyến thăm Tổng thống Nga Vladimir Putin đến Trung Quốc.
17:47 - 14/05/2024
475 lượt xem

Ông Biden chính thức đặt bút ký lệnh cấm, ngành công nghiệp Mỹ chơi vơi

Tổng thống Joe Biden đã ký một dự luật cấm các doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu uranium của Nga, ngành công nghiệp Mỹ nguy cơ gặp gián đoạn.
15:57 - 14/05/2024
555 lượt xem