16
/
155647
Trẻ em gây án, trường hợp nào bị truy cứu hình sự?
tre-em-gay-an-truong-hop-nao-bi-truy-cuu-hinh-su
news

Trẻ em gây án, trường hợp nào bị truy cứu hình sự?

Thứ 3, 31/10/2023 | 07:59:00
2,171 lượt xem

Nếu đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, trẻ em sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 28 tội danh được quy định tại bộ luật Hình sự.

Mới đây, Công an tỉnh Tiền Giang khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với P.M.Q (14 tuổi) để điều tra về hành vi giết người. Theo lời khai ban đầu, Q. dùng bả chó bỏ vào hộp sữa để đầu độc khiến cha và bà nội tử vong. Vụ án đang được dư luận đặc biệt quan tâm, không chỉ bởi hậu quả gây ra mà còn do bị can là trẻ em. Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Trẻ gây án, khi nào thì bị truy cứu hình sự ?

Độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự

Luật sư Hà Công Tâm, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, viện dẫn quy định tại luật Trẻ em năm 2016, cho hay: Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Đây là đối tượng yếu thế, đang trong quá trình hình thành, hoàn thiện nhận thức cũng như tâm sinh lý. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em luôn được đề cao trong các quy định pháp luật, trong đó có pháp luật hình sự; việc bắt, giam giữ, phạt tù trẻ em chỉ thực hiện khi đã bất đắc dĩ, là giải pháp cuối cùng sau khi đã cân nhắc cẩn trọng các biện pháp tư pháp khác.

Trẻ em gây án, trường hợp nào bị truy cứu hình sự? - Ảnh 1.

Căn nhà xảy ra vụ án mạng gây chấn động dư luận tại Tiền Giang Bắc Bình

Theo bộ luật Hình sự năm 2015, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng (khung hình phạt cao nhất 7 - 15 năm tù) hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (khung hình phạt trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình); người chưa đủ 14 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi của mình gây ra.

Vì sao có sự phân biệt giữa các mức tuổi như vậy ? Luật sư Tâm phân tích tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự được xác định dựa vào sự phát triển tâm sinh lý, nhận thức của con người. Người đủ 16 tuổi về cơ bản đã hình thành ổn định về mặt nhận thức và tâm sinh lý. Ngược lại, người chưa đủ 14 tuổi có trí tuệ chưa phát triển đầy đủ nên chưa nhận thức được tính nguy hiểm của hành vi đối với xã hội, chưa đủ khả năng tự chủ khi hành động. Riêng người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi được coi là người chưa có năng lực trách nhiệm hình sự đầy đủ, do vậy chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội phạm nhất định. Việc xác định độ tuổi của người phạm tội phải chính xác đến tận ngày sinh, trường hợp chỉ biết tháng sinh thì lấy ngày cuối cùng của tháng, nếu chỉ biết năm sinh thì lấy ngày cuối cùng của năm.

Khoản 2 điều 12 bộ luật Hình sự năm 2015 quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự đối với 28 tội danh thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Trong số này có tội giết người, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, mua bán người, cướp tài sản, trộm cắp tài sản, đua xe trái phép, tội phạm liên quan đến ma túy…

Về hình phạt, điều 101 bộ luật này quy định đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định. Đặc biệt, dù bị kết tội, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ được coi là không có án tích.

Làm gì để bi kịch không tái diễn ?

Ngoài khía cạnh pháp lý, vụ việc ở Tiền Giang cũng khiến nhiều người trăn trở: Vì sao một đứa trẻ 14 tuổi lại gây ra án mạng, thậm chí là với người ruột thịt và phải làm gì để không xảy ra những vụ việc đau lòng tương tự ?

Lời khai ban đầu của P.M.Q tại cơ quan điều tra cho thấy cha mẹ Q. ly thân, ba anh em Q. ở với mẹ. Cha Q. thường xuyên uống rượu, khi Q. khuyên cha bỏ rượu thì bị la mắng, nên Q. nảy sinh ý định giết cha. Thượng tá Đào Trung Hiếu, tiến sĩ tội phạm học, cho rằng "đạo đức xuống cấp" chính là nguyên nhân khiến thảm kịch xảy ra.

Trẻ em thường chịu sự tác động của hội chứng rối loạn tâm lý tuổi mới lớn, khi sự chín chắn, trưởng thành bắt đầu định hình nhưng tâm lý tuổi thơ vẫn đang tồn tại, khiến trẻ chênh chao, dao động. Thói quen sống phóng túng, hưởng thụ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân… dẫn tới phản ứng tiêu cực của trẻ khi gặp tác động bất lợi từ môi trường sống. Trẻ dễ cảm thấy bị tổn thương, kích động, sẽ có nhu cầu giải tỏa bức xúc bằng các biện pháp bạo lực, gây hại cho đối tượng được cho là nguyên nhân dẫn đến ức chế của mình, mà không suy nghĩ nhiều đến hậu quả.

Tuy nhiên, những lệch lạc trong tâm lý trẻ em không phải tự nhiên mà có, đó là kết quả của quá trình chịu tác động bất lợi từ môi trường gia đình, nhà trường và xã hội. Trẻ bị bủa vây từ trò chơi bạo lực, ấn phẩm phản văn hóa trên không gian mạng và phim ảnh. Do áp lực cuộc sống, nhiều bậc cha mẹ không có thời gian quan tâm đến con, sợi dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo, hay như việc tỷ lệ ly hôn ngày càng cao. Trong hoàn cảnh ấy, trẻ lớn lên mà thiếu vắng sự bảo ban, quan tâm, uốn nắn kịp thời từ người lớn. Chưa kể, có gia đình thiếu hòa khí, cha mẹ thường xuyên cãi cọ, đánh nhau; hoặc giáo dục con bằng bạo lực, ép học hành quá mức để đạt thành tích cao…, để lại những vết hằn trong tâm lý của trẻ. Khi không được chăm sóc, giáo dục đúng cách, trẻ rất dễ nảy sinh cảm giác thất vọng về gia đình, về cha mẹ, dẫn tới chán ghét, thậm chí căm thù người sinh thành ra mình.

Để phòng ngừa, ngăn chặn hiện tượng trẻ hóa tội phạm, thượng tá Đào Trung Hiếu nhận định giải pháp căn cơ nhất là giáo dục. Triết lý giáo dục cần thay đổi, hướng đến việc bồi dưỡng nhân cách thay vì chăm chăm nhồi nhét kiến thức. "Nếu thiếu vắng đi việc dạy làm người, sản phẩm đầu ra sẽ chỉ là những con rô bốt", ông Hiếu nói.

Trẻ em cần được giáo dục về đức tính vị tha, về các phẩm chất như nhẫn (sự kiên trì, chịu đựng áp lực cuộc sống), dũng (sự mạnh mẽ, dám nghĩ dám làm, dám bảo vệ lẽ phải, điều thiện, sự công bằng), tĩnh (sự bình tĩnh, kiềm chế trước những sự bất như ý, kiểm soát được cảm xúc, các quá trình tâm lý của bản thân). Việc giáo dục không chỉ bằng giáo huấn, bản thân người lớn phải nêu gương từ hành động của chính mình.

Quan trọng nhất, gia đình, nhà trường và xã hội cần tạo cho trẻ môi trường thuận lợi để phát triển nhân cách tích cực, tiến bộ, nhân văn; cần phát huy truyền thống đạo đức của gia đình VN, duy trì gia phong, gia đạo, ông bà cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền… "Một gia đình hạnh phúc, đoàn kết, yêu thương, tôn trọng nhau sẽ là nền tảng tốt nhất hình thành nhân cách đúng đắn cho trẻ", thượng tá khẳng định.

Theo Thanh niên

https://thanhnien.vn/tre-em-gay-an-truong-hop-nao-bi-truy-cuu-hinh-su-185231030190812082.htm

  • Từ khóa

Bà Trương Mỹ Lan kháng cáo bản án sơ thẩm

Bà Trương Mỹ Lan xin xem xét lại tội danh mà tòa án cấp sơ thẩm đã buộc tội và mức án tử hình đối với bà.
08:16 - 27/04/2024
448 lượt xem

Tử hình 5 kẻ vận chuyển ma túy xuyên quốc gia

Theo cáo buộc, Nguyễn Văn Thơm, Dư Thanh Thủy và đồng phạm đã vận chuyển gần 180kg ma túy các loại từ Campuchia về TPHCM để giao lại cho các đối tượng...
16:16 - 26/04/2024
852 lượt xem

Bị mẹ người tình mắng chửi, nam thanh niên ra tay sát hại cả hai mẹ con

Bị mẹ người tình mắng chửi, Hàng A Hồ (ở Lai Châu) cướp giật dao của người dân giết chết cả hai mẹ con, rồi chốt cửa để tự sát.
14:21 - 26/04/2024
898 lượt xem

Đề nghị truy tố cựu tiếp viên hàng không môi giới bán dâm nghìn đô

Cơ quan điều tra kết luận hành vi này của "tú bà" Mỷ Hạnh là nghiêm trọng, xâm phạm đến đạo đức, thuần phong, mỹ tục, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự công...
14:20 - 26/04/2024
893 lượt xem

Tạm ngưng phiên tòa Bệnh viện thẩm mỹ Nam An kiện Công ty Sen Vàng

Ngày 25.4, TAND Q.Bình Thạnh (TP.HCM) tạm ngừng phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án kinh doanh thương mại 'tranh chấp hợp đồng quảng bá thương hiệu' giữa...
11:12 - 26/04/2024
937 lượt xem