16
/
162860
Có cần thiết thành lập thêm các tòa án sơ thẩm chuyên biệt?
co-can-thiet-thanh-lap-them-cac-toa-an-so-tham-chuyen-biet
news

Có cần thiết thành lập thêm các tòa án sơ thẩm chuyên biệt?

Thứ 3, 16/04/2024 | 09:50:00
2,107 lượt xem

Một số chuyên gia pháp lý quan tâm đến việc thành lập các tòa án sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết vụ việc liên quan đến sở hữu trí tuệ, phá sản, thương mại quốc tế vì các trường hợp này thường xảy ra rất ít.

Bà Ung Thị Xuân Hương - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - cho rằng cần xem xét mức độ cần thiết thành lập tòa án sơ thẩm chuyên biệt - Ảnh: KHẮC HIẾU

Bà Ung Thị Xuân Hương - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - cho rằng cần xem xét mức độ cần thiết thành lập tòa án sơ thẩm chuyên biệt - Ảnh: KHẮC HIẾU

Chiều 15-4, hội thảo góp ý dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức đã nêu lên một số ý kiến tham luận, nhằm hoàn thiện về các quy định liên quan ngành tòa án.

Thành lập tòa án chuyên biệt khi đã có tòa chuyên trách?

Tại hội thảo, bà Ung Thị Xuân Hương - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - chỉ ra tại điều 4 dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân có đề cập đến một số tòa án sơ thẩm chuyên biệt nhằm xử lý các vụ việc có nội dung liên quan.

Theo đó, hệ thống tổ chức tòa án này bao gồm: Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt hành chính; Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt sở hữu trí tuệ và Tòa án nhân dân chuyên biệt phá sản.

Tuy nhiên, bà Hương cho rằng cần cân nhắc về việc thành lập các tòa án sơ thẩm chuyên biệt và phải làm rõ cơ cấu, tổ chức của các hệ thống tòa án này. 

Đồng thời, số lượng trường hợp, vụ việc xảy ra theo các lĩnh vực chuyên biệt liên quan hiện rất ít, dù đó là các thành phố lớn.

"Hầu hết các tỉnh, thành phố đều có các tòa chuyên trách, liệu có cần thiết phải thành lập thêm tòa án chuyên biệt? Hai hệ thống tòa án này khác nhau như thế nào?", bà Hương đặt câu hỏi.

Ngoài ra, bà Ung Thị Xuân Hương nêu quan điểm khi thành lập các hệ thống tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, sẽ kéo theo việc thành lập các cơ quan tố tụng tương ứng. Điều này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Luật sư Trương Thị Hòa nhấn mạnh cần quy định đương sự không được sử dụng băng ghi âm, ghi hình lén để làm cơ sở vật chứng tố cáo - Ảnh: KHẮC HIẾU

Luật sư Trương Thị Hòa nhấn mạnh cần quy định đương sự không được sử dụng băng ghi âm, ghi hình lén để làm cơ sở vật chứng tố cáo - Ảnh: KHẮC HIẾU

Không dùng băng ghi âm lén làm vật chứng tố cáo

Tại hội thảo, luật sư Trương Thị Hòa dành sự quan tâm đến điều 141 dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân quy định về việc tham dự phiên tòa. Bà Hòa cho rằng cần làm rõ việc người dưới 16 tuổi có được vào phạm vi trụ sở tòa án hay không. Hiện nay, một số bảo vệ tòa án không cho người dưới 16 tuổi vào.

"Có những đứa trẻ dưới 16 tuổi được cha mẹ dẫn theo vào tòa vì hoàn cảnh gia đình, không để con ở ngoài được. Nếu bắt trẻ ở ngoài tòa thì trường hợp này cần phải xem xét", bà Hòa nêu quan điểm.

Góp ý thêm tại khoản 3, điều 141 dự án luật này, luật sư Hòa đồng tình với nội dung ghi âm, ghi hình phải được hội đồng xét xử cho phép. Tuy nhiên, hiện có một số trường hợp đương sự ghi âm, ghi hình lén và sử dụng đó làm cơ sở khiếu nại, tố cáo.

Bà Hòa nhấn mạnh cần quy định rằng băng ghi âm, ghi hình lén không được làm cơ sở vật chứng tố cáo vì được thực hiện bởi hành vi vi phạm pháp luật.

Liên quan đến khoản 3, điều 11 dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân về việc thanh tra thẩm phán, luật sư Hòa bày tỏ quan điểm đồng tình với việc không điều tra, thanh tra với thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án, trừ trường hợp có căn cứ xác định thẩm phán vi phạm pháp luật hình sự trong giải quyết vụ việc.

"Điều này góp phần bảo vệ chức danh thẩm phán vì đây là chức danh cao quý. Cho nên việc tôn trọng chức danh cũng như người đảm nhận rất quan trọng, giúp người thẩm phán thêm mạnh dạn trong việc xét xử", luật sư Hòa nhấn mạnh.

Tòa án được quyền hủy bỏ văn bản dưới luật trái pháp luật

Bà Ung Thị Xuân Hương - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - cho biết điểm d, khoản 2, điều 3 dự án luật quy định tòa án có quyền phát hiện, kiến nghị về tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử theo quy định của luật.

Tuy nhiên, hiện quy trình kiểm tra văn bản thực hiện tương đối khép kín trong nội bộ cơ quan hành pháp, chưa có sự kiểm soát từ cơ quan tư pháp. Theo bà Hương, dự thảo nên bổ sung việc tòa án có thẩm quyền hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật.

Cụ thể, đối với văn bản luật, nghị quyết Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tòa án chỉ phát hiện, kiến nghị. Các văn bản dưới luật của các bộ ngành nếu trái luật, ảnh hưởng quyền lợi người dân thì tòa án cần xem xét hủy bỏ.

Theo Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/co-can-thiet-thanh-lap-them-cac-toa-an-so-tham-chuyen-biet-20240415160933804.htm 

  • Từ khóa

Trục xuất nhóm người nước ngoài lừa đảo ra khỏi Việt Nam

Công an TP.HCM phối hợp các đơn vị liên quan trục xuất nhóm người nước ngoài lừa đảo khỏi Việt Nam.
20:56 - 29/04/2024
97 lượt xem

Tài xế vi phạm lao thẳng xe vào Trung tá CSGT

Phát hiện xe máy vi phạm tốc độ, Trung tá CSGT ra hiệu lệnh dừng xe nhưng tài xế không chấp hành. Nam tài xế còn lái xe lao thẳng vào người CSGT, khiến...
09:20 - 29/04/2024
341 lượt xem

Phan Quốc Việt dính líu như thế nào với Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn?

Theo kết luận điều tra, Phan Quốc Việt khai đã đưa Công ty Việt Á vào tham gia liên danh với Công ty AIC và chỉ đạo cấp dưới tìm cách xây dựng hồ sơ mời...
17:13 - 28/04/2024
760 lượt xem

Bà Trương Mỹ Lan kháng cáo bản án sơ thẩm

Bà Trương Mỹ Lan xin xem xét lại tội danh mà tòa án cấp sơ thẩm đã buộc tội và mức án tử hình đối với bà.
08:16 - 27/04/2024
1,532 lượt xem

Tử hình 5 kẻ vận chuyển ma túy xuyên quốc gia

Theo cáo buộc, Nguyễn Văn Thơm, Dư Thanh Thủy và đồng phạm đã vận chuyển gần 180kg ma túy các loại từ Campuchia về TPHCM để giao lại cho các đối tượng...
16:16 - 26/04/2024
1,964 lượt xem