313
/
163006
Hứa 'xong việc có thưởng', việc xong ngoảnh mặt làm ngơ
hua-xong-viec-co-thuong-viec-xong-ngoanh-mat-lam-ngo
news

Hứa 'xong việc có thưởng', việc xong ngoảnh mặt làm ngơ

Thứ 6, 19/04/2024 | 10:56:00
2,087 lượt xem

Hứa hẹn ngút trời nhưng đến khi công việc hoàn thành, tưởng "điều ước" thành sự thật thì bị bên hứa thưởng trở mặt. Người hứa cho thì tiếc của, người được hứa thì đôi khi lại không cam tâm, nghĩ mình xứng đáng nhận được nhiều hơn.

Vậy Bộ luật Dân sự 2015 quy định thế nào về việc này? Người đã công khai hứa thưởng có buộc phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của mình?

Hứa thưởng 900 triệu, chỉ trả 200

Cuối tháng 3-2022, TAND tỉnh Tiền Giang xử phúc thẩm vụ tranh chấp hợp đồng hứa thưởng giữa người môi giới nhà đất và chủ đất.

Bà Thu Dung (38 tuổi) cho biết hai năm trước đó, bà Tiền muốn bán bốn thửa đất ở TP Mỹ Tho. Bà Tiền nhờ Dung tìm người mua đất, nói qua điện thoại rằng sẽ trả hoa hồng 900 triệu đồng, trong đó một nửa được trả khi ký hợp đồng đặt cọc và nửa còn lại trả khi ký hợp đồng chuyển nhượng.

Qua giới thiệu của bà Dung, một công ty đã mua các thửa đất trên với giá 31,5 tỉ đồng. Ký xong hợp đồng đặt cọc, bà Tiền chuyển cho bà Dung 200 triệu đồng rồi thôi. Vì thế bà Dung kiện, đòi 700 triệu còn lại.

Ra tòa, bà Tiền phản tố, nói rằng đã ký thỏa thuận với một người môi giới khác và sẽ chia 1% hoa hồng (tức 315 triệu đồng) cho người này để đăng tin, tìm người mua. Nếu sau khi đăng tin, có người liên hệ thì hoa hồng này chia đôi cho người môi giới và người liên hệ (là bà Dung).

Tính ra, bà Tiền chỉ phải đưa cho bà Dung một nửa số tiền 315 triệu đồng, nhưng bà đã đưa 200 triệu nghĩa là đã dư 42,5 triệu. Vì vậy, bà Tiền phản tố yêu cầu bà Dung trả lại 42,5 triệu tiền thừa.

Xử sơ thẩm, TAND TP Mỹ Tho tuyên bà Dung thắng kiện, bà Tiền phải trả nốt 700 triệu đồng. Tại tòa phúc thẩm, bà Tiền nói mình là người Mỹ nên nhất định chỉ nói tiếng Anh. Người đại diện của bà thì phủ nhận lời khai của mình trước đó, nói là mình bị lú lẫn, giảm thính lực, stress nhớ trước quên sau...

Nhưng tất cả những hành động này cũng không thể "đấu" lại với bằng chứng mạnh của nguyên đơn, là bản ghi âm có giọng nói của bà Tiền, hứa thưởng 900 triệu. Tòa phúc thẩm đã giữ nguyên bản án sơ thẩm, buộc bà Tiền trả nốt 700 triệu còn lại.

Thực tế có rất nhiều vụ việc tranh chấp liên quan đến hứa thưởng xảy ra giữa những người môi giới nhà đất và chủ đất. Thường chủ đất sẽ hứa hẹn mức thưởng khá cao, nhưng khi bán được lại không muốn trả số tiền mình đã hứa.

Trong các vụ việc, nếu có đủ bằng chứng (văn bản thỏa thuận, ghi âm, người làm chứng...), nhiều người môi giới đã đòi được số tiền thưởng. Ở quận Bình Tân (TP.HCM) có trường hợp gia đình nọ nhờ người khiếu nại để được công nhận quyền sử dụng đất từ 152m2 thành 483m2, đổi lại sẽ thưởng cho 40% giá trị quyền sử dụng đất.

Mất bốn năm mới làm xong giấy tờ nhưng gia chủ lại đổi ý không muốn thực hiện lời hứa. Sau 19 năm lần lữa, hầu tòa, cuối cùng năm 2022 họ cũng phải trả tiền như thỏa thuận ban đầu.

Nhưng cũng có những trường hợp như người môi giới tên N. (63 tuổi, ở TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang), 5 năm theo đuổi vụ kiện chủ đất cuối cùng bị tòa bác yêu cầu.

Theo hồ sơ, năm 2017 người chủ có hơn 26.000m2 đất muốn bán, hứa với nhiều "cò" rằng bán được giá 1,1 tỉ đồng/1.000m2 sẽ chi hoa hồng 2%.

Bà N. dẫn khách tới nhưng lại nói với chủ đất rằng nếu mình bán được giá cao hơn thì sẽ hưởng tiền chênh lệch và không lấy 2% hoa hồng nữa. Chủ đất đồng ý nhưng cuối cùng người khách này không mua. Chủ đất tuyên bố không bán nữa.

Khi người môi giới khác đưa khách tới và chốt được giá 1,2 tỉ/1.000m2, bà N. cũng dự phần trong đó. Chủ đất chia hoa hồng 2%, nhóm môi giới chia nhau, bà N. cũng được 150 triệu. Nhưng "ấm ức" vì cho rằng bán được giá cao hơn, mình phải được ăn chênh lệch, bà kiện đòi 2 tỉ đồng.

Vụ kiện tụng trải qua 5 năm ròng, cuối cùng tòa xử bác yêu cầu của bà. Tòa cho rằng việc chủ đất tuyên bố không bán đất nữa chính là rút lại hứa thưởng với bà N. rồi.

Ôm cục tức vì trúng giải mà không được trao thưởng

Tháng 4-2020, ở huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, nhân lúc giãn cách vì dịch Covid-19, anh C. (22 tuổi) lên mạng xã hội thấy một phòng khám đa khoa trên địa bàn huyện có đăng trò chơi "Ở nhà tránh dịch - kiến thức siêu đỉnh".

Theo đó, người chơi chỉ cần trả lời một câu hỏi, chia sẻ bài viết của phòng khám về trang cá nhân của mình, nhắc tên hai người bạn và đoán số người có cùng dự đoán. Anh C. làm theo và khi chương trình kết thúc, anh thấy mình đã đoán trúng, giải thưởng sẽ là một chiếc iPhone 11 promax và 20 khẩu trang kháng khuẩn.

Nhưng liên hệ nhiều lần, phòng khám trả lời rằng người chơi quá ít nên họ đã hủy chương trình.

Bị kiện ra tòa, phòng khám viện lý do là nhân viên tự ý đăng chương trình lên Facebook, vả lại câu trả lời của anh C. cũng không đúng với tài liệu của WHO đưa ra (các phương án trả lời đều không đúng). Yêu cầu trả thưởng của anh C. không được tòa chấp nhận, anh còn phải chịu án phí 1,5 triệu đồng.

Trước đó, ở Hà Nội cũng có một trường hợp "đáo tụng đình" suốt nhiều năm trời vì tham gia chương trình "Triệu phú thể thao", "Nhà tiên tri" của một nhà mạng viễn thông mà không được trao giải.

Các cuộc thi diễn ra từ năm 2015, anh Ng. cho biết tham gia chương trình bằng 19 số thuê bao và được công bố trúng giải ở nhiều kỳ, tổng giá trị giải thưởng lên đến gần 600 triệu đồng.

Nhanh chóng làm thủ tục nhận giải nhưng anh bị từ chối với lý do thuê bao không chính chủ, không hoạt động hai chiều tại thời điểm tham gia chương trình.

Anh khởi kiện vì cho rằng các thuê bao này do mình sở hữu, trước đây tham gia các chương trình tương tự chỉ cần ra phòng giao dịch của nhà mạng để đăng ký lại thông tin là được nhận giải, nay 19 thuê bao này lại không được công nhận.

Tại tòa, phía nhà mạng cho biết đã nhiều lần yêu cầu anh Ng. bổ sung hồ sơ chứng minh sở hữu các thuê bao, song anh Ng. không thực hiện đúng nên họ từ chối trả thưởng vì không xác minh được.

Anh Ng. thua kiện sau 6 năm ròng từ lúc khởi kiện tới khi có bản án và phải nộp án phí hơn 36 triệu đồng.

Pháp luật quy định thế nào về hứa thưởng?

Theo đó, người đã công khai hứa thưởng phải trả thưởng cho người đã thực hiện công việc theo yêu cầu của người hứa thưởng.

Theo điều 571 Bộ luật Dân sự 2015, việc rút tuyên bố hứa thưởng chỉ được thực hiện khi chưa đến hạn bắt đầu thực hiện công việc. Hứa thưởng là giao dịch dân sự, pháp luật không quy định bắt buộc về hình thức, cũng không yêu cầu phải công chứng, chứng thực.

Do đó, nếu các bên chứng minh được tính xác thực của thỏa thuận này, công việc hứa thưởng không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội thì thỏa thuận hứa thưởng được pháp luật thừa nhận.


Theo Trần An Hòa/ Tuổi Trẻ

https://tuoitre.vn/hua-xong-viec-co-thuong-viec-xong-ngoanh-mat-lam-ngo-20240419075803137.htm

  • Từ khóa

Cảnh báo 'bẫy' rủi ro khi bán, cho thuê tài khoản ngân hàng

Hành vi mua, bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng hiện nay diễn ra rất phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tội phạm liên...
17:17 - 25/04/2024
1,903 lượt xem

Trường hợp không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai mới năm 2024

Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2025 có rất nhiều điểm mới về cả hình thức và nội dung so với Luật Đất đai năm 2013. Tuy...
10:30 - 24/04/2024
2,093 lượt xem

Sau vụ VNDirect, PVOIL bị tin tặc tấn công, Công an Hà Nội nói gì?

Theo Công an Hà Nội, quá trình vận hành, sử dụng hệ thống, các doanh nghiệp, tổ chức tài chính, cơ quan có thể bị tin tặc tấn công, cài cắm mã độc...
16:41 - 23/04/2024
1,923 lượt xem

Hoàn thiện chính sách thuế giá trị gia tăng - thúc đẩy 3 động lực góp phần tăng trưởng kinh tế

Hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) phù hợp với thực tiễn Việt Nam và thông lệ quốc tế; đồng thời thúc đẩy 3 động lực chủ yếu góp...
08:13 - 19/04/2024
2,151 lượt xem

Tín chỉ các-bon là gì? Điều kiện để được cấp tín chỉ các-bon?

BGTV- Vừa qua, một số doanh nghiệp, tổ chức có hỏi muốn tham gia vào thị trường tín chỉ Các-bon hiện pháp luật quy định như thế nào? Điều kiện để được cấp...
08:30 - 19/04/2024
2,193 lượt xem