205
/
162797
Ông Lê Kiên Thành: Tôi đam mê chính trị, nhưng...
ong-le-kien-thanh-toi-dam-me-chinh-tri-nhung
news

Ông Lê Kiên Thành: Tôi đam mê chính trị, nhưng...

Thứ 2, 15/04/2024 | 08:33:28
2,186 lượt xem

"Con người tôi luôn quan tâm chính trị, nhưng số phận không cho phép tôi đi con đường đó", ông Lê Kiên Thành bộc bạch trong cuộc trò chuyện với báo Dân trí.

Ông Lê Kiên Thành: Tôi đam mê chính trị, nhưng...

TS Lê Kiên Thành vừa xuất bản tập sách "Những khoảnh khắc sống", gồm các sáng tác của ông về sự hy sinh của một thế hệ trong năm tháng chiến tranh của dân tộc, và hồi ức về gia đình, bạn bè, người thân. Trong cuốn sách, tác giả không dành bài viết riêng nào về bố mình, nhưng người đọc vẫn nhận thấy bóng dáng cố Tổng Bí thư Lê Duẩn qua những dòng chữ chân thực, mộc mạc của ông.

Báo Dân trí có cuộc trò chuyện với TS Lê Kiên Thành nhân dịp này.

Thưa TS Lê Kiên Thành, mọi người biết đến ông là con trai của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Và còn biết ông là một sĩ quan trong quân chủng Phòng không - Không quân; một doanh nhân; một trí thức với nhiều trăn trở về thời cuộc; và gần đây ông còn tham gia vào lĩnh vực báo chí, rồi xuất bản cuốn sách của mình với tựa đề "Những khoảnh khắc sống". Với tất cả những công việc, những khoảnh khắc sống mà ông đã trải qua, ông muốn được gọi với danh xưng nào nhất?

- Hồi xưa tôi từng nghĩ rằng cho đến cuối đời, tôi sẽ là anh bộ đội. Thế nhưng không phải vậy. Có lúc tôi nghĩ mình sẽ là nhà khoa học. Cũng không phải. Và rồi tôi tham gia thương trường, trải qua rất nhiều công việc với tư cách là một doanh nhân, từ làm ngân hàng cho đến sản xuất mì ăn liền, khách sạn, xây dựng, thương mại…, đủ cả.

Cuối cùng sau những xô đẩy của cuộc đời, tôi thấy hình như mình… không là ai cả. Bảo rằng doanh nhân là một nghề cũng đúng, nhưng tôi tâm niệm một nghề là ngay cả khi nhắm mắt lại anh vẫn hình dung được mình có thể làm cái nghề đó như thế nào. Ví dụ một người bán phở chẳng hạn. Đấy là một nghề, họ làm thành thạo. Nhắm mắt lại họ cũng hiểu được cần làm gì, từ miếng thịt cho đến củ hành. Họ tự hào là một người bán phở. Còn tôi? Bây giờ tôi không thể nói là tôi làm nghề ngân hàng. Tôi cũng không thể nói tôi làm mì ăn liền. Với tôi đó chỉ là những lĩnh vực mà mình trải qua, có thành công và cũng có thất bại.

Ông Lê Kiên Thành: Tôi đam mê chính trị, nhưng... - 2

Với rất nhiều công việc khác nhau đã trải qua như vậy, tôi chỉ thấy rằng khi gặp các đồng đội của mình, tôi tự hào là một người lính. Khi tiếp xúc với các doanh nhân, tôi vui mừng vì mình cùng hàng ngũ với họ. Còn lĩnh vực báo chí và viết văn thì tôi mới tham gia gần đây. Thực ra đến gần 70 tuổi mới viết văn có lẽ đã muộn màng, nhưng bạn bè quý mến cứ gọi tôi là… nhà văn trẻ.

Tôi yêu thích và tự hào với tất cả những công việc đã trải qua. Dù mọi người nhớ đến tôi với công việc nào thì tôi cũng chỉ muốn được gọi với một cái tên, đó là: Lê Kiên Thành.

Khi nhận xét về cuốn sách "Những khoảnh khắc sống" của ông, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói rằng "Chủ nghĩa lãng mạn là một ngọn gió thổi không ngừng trong toàn bộ tác phẩm của Lê Kiên Thành". Ông có nghĩ mình là một người lãng mạn không?

- Tôi nghĩ rằng sự lãng mạn có trong mỗi người. Chừng nào con người dám sống, biết sống và còn hy vọng vào cuộc sống thì trong đó đều có sự lãng mạn. Không phải chỉ nhà văn, nhà thơ mới lãng mạn mà người nông dân trồng cây lúa và ngẫm nghĩ về mùa gặt, đó là một sự lãng mạn rồi.

Cuốn sách của tôi có hai phần, một phần là truyện, tôi sáng tác dựa trên những câu chuyện có thật. Chẳng hạn như tôi kể về một ngôi làng ven sông, nơi tôi đi sơ tán và chứng kiến cuộc sống không có đàn ông; cảm xúc của người dân khi nhận tin báo con em mình hy sinh ở chiến trường. Những câu chuyện này là có thật, và tôi sáng tác thêm theo hình dung của mình về người thanh niên ở ngôi làng đó hành quân ra chiến trường, tham gia chiến đấu như thế nào, tin vào điều gì…

Ông Lê Kiên Thành: Tôi đam mê chính trị, nhưng... - 4

Phần còn lại của cuốn sách mang tính tự sự, là những gì đã xảy ra trong cuộc đời tôi, ngày đầu vào quân ngũ ra sao, tình cảm bạn bè, những vui buồn của tuổi trẻ. Người Nga có câu nói rất hay, "một người lính tồi là người lính không bao giờ nghĩ mình trở thành nguyên soái". Nghĩa là chúng ta phải có ước mơ, phải có khát vọng sống, đúng không? Thực tại có thể thuận lợi hoặc khó khăn chồng chất, nhưng con người luôn nghĩ rằng mình sẽ tiếp tục sống, sẽ vượt qua và ngày mai sẽ là một ngày mới tốt hơn. Đó là những gì tôi chuyển tải trên từng trang viết của mình.

Khi tôi hoàn thành bản thảo, nhà văn Nguyễn Quang Thiều có nhờ họa sĩ Thành Chương vẽ minh họa cho cuốn sách. Vừa nghe giới thiệu tác giả là ai, ông Thành Chương từ chối ngay. Hỏi vì sao, ông nói là không bao giờ muốn liên quan đến "con ông cháu cha" như tôi. Người họa sĩ còn nói thêm "họ là một lớp người khác, không phải kiểu của tôi". Nhà văn Nguyễn Quang Thiều bảo "anh cứ cầm bản thảo về đọc rồi từ chối cũng chưa muộn".

Họa sĩ Thành Chương về đọc được một phần ba cuốn sách thì phản hồi đồng ý minh họa. Lý do rất đơn giản là "thấy bị thuyết phục bởi những câu chuyện đời thường, giản dị, chân thật và rất nhân văn". Đây là lời của họa sĩ Thành Chương. Tôi nghe xong rất xúc động, không chỉ vì người họa sĩ nổi tiếng chịu minh họa cho cuốn sách của mình, mà chủ yếu vì những trang viết của tôi đã thay đổi được một định kiến.

Bên cạnh những lời khen và chia sẻ tích cực về cuốn sách của ông, thì cũng có ý kiến cho rằng ông… háo danh và việc ra sách là một việc như vậy. Ông trả lời sao về nhận xét này?

- Thật lòng tôi không hiểu khi viết cuốn sách ấy thì tôi được cái danh gì? Tôi đã nói rồi, không ai phấn đấu trở thành nhà văn trẻ ở tuổi 70 cả.

Nhớ lại hồi tiếp xúc với cử tri (lúc tôi tự ứng cử vào Quốc hội), một cử tri cũng hỏi tôi: "Có phải sau khi có tiền rồi anh ứng cử vào Quốc hội vì danh vọng không?". Tôi đã trả lời: "Khi biết tự ứng cử là rất khó khăn, nếu vì danh, tôi đã không làm điều đó".

Ông Lê Kiên Thành: Tôi đam mê chính trị, nhưng... - 6

Đời tôi có một danh vọng lớn nhất mà tôi tự hào và luôn gìn giữ, rằng tôi là con của một người đã có công lớn trong việc thống nhất đất nước. Giả sử tôi có làm bộ trưởng hay quan chức nào đó mà làm một điều xấu (hay tốt) mọi người chỉ nói:"Con ông ấy làm đấy!" Họ sẽ không nhắc đến những chức vụ kia mà chỉ nhắc tôi là "con ông ấy!" Thế thì với cá nhân tôi, việc là "con ông ấy" có lẽ là danh vọng cao nhất. Tôi sẽ không đi tìm danh vọng ở chỗ khác. Chắc chắn là thế.

Nhưng, truyền thống gia đình không phải để tôi ỷ lại, không cần phải làm gì nữa. Tôi hiểu đó là một cái danh tình cờ mình có được và mình phải sống sao cho thật xứng đáng. Đời tôi không nỗ lực làm doanh nhân để trở thành giàu có; cũng không nỗ lực viết văn để trở thành một nhà văn giỏi. Vì vậy ai nói tôi háo danh thì tôi thấy không đúng.

Như ông nói, "con trai của Tổng Bí thư Lê Duẩn" là danh dự lớn nhất cuộc đời ông. Phải chăng đây cũng là áp lực lớn nhất?

- Đúng vậy. Áp lực rất lớn. Hồi nhỏ tôi cũng như bao đứa trẻ khác, cũng có lúc lười học, có lúc gây gổ đánh nhau với bạn… Cho đến khi tôi biết được ba mình là ai thì tự nhiên không còn dám ngỗ nghịch, không dám lên lớp mà không thuộc bài.

Đi chơi với bạn bè, có miếng bánh bẻ ra chia nhau, tôi luôn dành phần to hơn cho bạn, còn mình chỉ lấy phần bé. Lúc nào tôi cũng phải cố gắng không để người khác nói điều gì đó không hay về mình.

Ông Lê Kiên Thành: Tôi đam mê chính trị, nhưng... - 7

Suốt tuổi thơ của mình, một trong những điều tôi nhớ nhất về ba tôi là lúc nào ông cũng bận rộn với công việc. Ông làm việc, tư duy suốt ngày, đến mức có lúc còn không nhớ tuổi của tôi… Ba tôi ít khi vui đùa với con theo nghĩa một người cha với các con mình. Ông coi các con như đồng chí, như những người bạn. Sau bữa ăn nếu có thời gian ngồi lại với các con, ông thường nói chuyện rất nghiêm túc như kể chuyện ba đi làm cách mạng thế nào, ở tù ra sao? Nhiều khi tôi thích chạy sang nhà khác ở cùng khu chơi vì ở đó tôi có lũ bạn cùng tuổi, và không khí cũng ít nghiêm nghị hơn.

Tôi thường sang nhà ông Lê Đức Thọ (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, từng giữ nhiều trọng trách trong Đảng, trong đó có vị trí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương) chơi. Ông Thọ cũng rất bận rộn, nhưng ông quan tâm đến những chuyện đời thường của bọn trẻ con, ông bảo ban chúng tôi phải giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ… Ba tôi không như vậy. Ông thường nói tôi phải để ý đến cuộc sống của những người xung quanh mình, có lúc ông hỏi là "trong lớp con có nhiều bạn nhà nghèo không?". Tôi nhớ một lần lớp vận động quyên góp giúp các bạn nhà nghèo, tôi dành một chiếc áo len của mình để tặng bạn, về kể với ba tôi chuyện này thì mặt ông rạng rỡ hẳn lên.

Sau này khi tôi lớn lên, vào quân ngũ, nhờ tốt nghiệp bằng đỏ và kết quả công tác tốt nên được lên quân hàm trước một năm, từ Thiếu úy lên Trung úy. Tôi về khoe với ba thì ông cau mặt rồi mắng tôi "con làm gì mà được lên Trung úy? Chú Phú đi với ba 20 năm vẫn còn Thiếu úy". Tôi không biết trả lời sao. Hồi đó với kết quả tốt nghiệp bằng đỏ và công tác tốt trong một năm thì lên quân hàm trước hạn là bình thường, vậy mà bị tôi ba mắng cứ như đó là lỗi của tôi.

Tôi hình dung là những áp lực như ông vừa kể sẽ góp phần định hình nên tính cách của ông?

- Nếu có ai hỏi điểm mạnh và điểm yếu của tôi là gì thì có lẽ đều là sự thương người. Tôi chịu ảnh hưởng từ ba mình tình thương yêu đối với những người xung quanh. Sau này nhìn lại, dường như đây là một tính cách khiến tôi kinh doanh không thành công.

Chẳng hạn khi nhà máy mì ăn liền của tôi kinh doanh thua lỗ thì việc đầu tiên nên làm là đóng cửa nhà máy. Nhưng khi đến nhà máy, tôi thấy hàng trăm công nhân đang làm việc, sau lưng họ là hàng trăm gia đình. Nếu tôi đóng cửa nhà máy, riêng mình không sao, nhưng hàng trăm con người ra đường thì tôi không đành lòng. Vậy là phải cố đến lúc nào hay lúc ấy. Trong các lĩnh vực kinh doanh khác của tôi cũng gặp chuyện tương tự vậy. Người kinh doanh phải lạnh lùng, thậm chí tàn nhẫn thì mới qua được các cửa ải. Còn tôi, tình cảm quá, rất khó thành công.

Ông Lê Kiên Thành: Tôi đam mê chính trị, nhưng... - 10

Ông không tự nhận mình là doanh nhân thành công. Nhưng với tư cách một nhà báo, tôi nghĩ rằng mọi người biết đến ông và ấn tượng nhất với ông có lẽ là quyết định rời bộ máy Nhà nước để tham gia kinh tế tư nhân vào đầu thập niên 1990, trong bối cảnh chuyện đảng viên làm kinh tế tư nhân vẫn còn nhạy cảm, thậm chí cấm kỵ chứ chưa được nhìn nhận bình thường như hiện nay. Ở độ tuổi 70 của cuộc đời, có đủ độ lùi để đánh giá thì ông nhìn nhận quyết định này như thế nào?

- Tôi cho rằng đây là một trong những điều tôi đã làm được cho cuộc đời này, góp phần mở ra một con đường để sau này chuyện đảng viên làm kinh tế tư nhân nói riêng và khu vực kinh tế tư nhân nói chung được nhìn nhận đúng.

Tôi không tiếc nuối về quyết định đi làm kinh tế tư nhân, chỉ tiếc là không làm tốt như mình muốn. Nhưng vì bạn đã hỏi, tôi phải nói thật lòng rằng tôi say mê với chính trị hơn. Dù làm gì thì tôi vẫn quan tâm đến chính trị, sống vì chính trị và hít thở không khí chính trị mỗi ngày. Trong gia đình tôi, anh chị em làm nhiều nghề khác nhau, phần lớn là làm khoa học nhưng khi ngồi lại với nhau cũng nói về chính trị là chủ yếu.

Dịp Tết Nguyên đán 2024, gia đình tôi đón một vị lãnh đạo thành phố đến thăm và ăn tối. Khi ra về, ông có nói với tôi rằng lẽ ra hôm nay đến đến đây để chúng ta thăm hỏi nhau, nhưng cuối cùng câu chuyện chỉ xoay quanh đề tài chính trị. Có lẽ sự quan tâm đến chính trị mới chính là con người tôi.

Vậy tại sao ông không trở thành một chính trị gia?

- Tôi hai lần được lãnh đạo lão thành dự kiến giới thiệu tham gia Ban chấp hành Trung ương. Lần đầu là trước thềm Đại hội IX, một anh bạn ở Ban Tổ chức Trung ương đến nhà và nói là nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười muốn giới thiệu tôi tham gia Trung ương và bảo tôi ghi hồ sơ để nộp. Lúc đó hồ sơ tôi không vấn đề gì, cũng không bị đơn thư kiện cáo, nhưng có ý kiến nói là "ông ấy đang làm kinh tế tư nhân thì vào Trung ương làm gì?". Tôi suy nghĩ và quyết định không nộp hồ sơ.

Lần thứ hai, trong thời gian diễn ra Đại hội X, tôi đang ngồi với một người bạn thì chú Sáu Dân (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt) gọi điện thoại, bảo là sẽ giới thiệu tôi vào Trung ương và cần tôi cho biết ý kiến? Tôi hơi bất ngờ vì lúc đó Đại hội đang diễn ra, sắp bầu nhân sự rồi, nên tôi nói "chú cho cháu suy nghĩ thêm, sáng mai cháu trả lời". Đêm đó tôi gần như không ngủ được, nằm trằn trọc với những câu hỏi tự đặt ra cho mình. Sáng hôm sau tôi gọi điện lại cho chú Sáu Dân, trả lời rằng "cháu xin phép không nhận lời giới thiệu của chú". Tôi giải thích thêm, nếu chú Sáu Dân giới thiệu tôi trước Đại hội thì có thể tôi sẽ cân nhắc, còn bây giờ Đại hội đang diễn ra, công tác nhân sự được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, tôi không muốn là một người… chen ngang.

Ông Lê Kiên Thành: Tôi đam mê chính trị, nhưng... - 12

Cho tới khi biết có những trường hợp được giới thiệu trong thời gian diễn ra Đại hội, và vẫn được Đại hội bầu vào Trung ương, tôi hiểu rằng chú Sáu Dân đã đúng cả về nguyên tắc và quy trình. Nếu tôi nhận lời từ chú thì vẫn có thể được giới thiệu để bầu một cách bình thường.

Tôi không biết nếu ngày ấy tôi đồng ý với sự giới thiệu của chú Sáu Dân thì sẽ như thế nào. Nhưng tôi nghĩ là một người có trách nhiệm, chú tin tưởng muốn giới thiệu tôi là giới thiệu một nhân tố mà chú cho rằng có tâm huyết đóng góp cho đất nước, có trải nghiệm của một doanh nhân am hiểu thương trường và có cách tiếp cận mới mẻ, không chịu ảnh hưởng của lối suy nghĩ và cách làm theo quán tính lâu năm trong hệ thống. Vậy mà tôi đã từ chối.

Có lẽ một trong những điều tiếc nuối nhất trong cuộc đời tôi là đã phụ lòng tin của chú Sáu Dân. Sau này, mỗi lần đi ra nghĩa trang, đứng trước mộ chú Sáu Dân tôi đều nói rằng "cháu xin lỗi chú, cháu đã sai, đã phụ lòng chú".

Trong đêm trắng không ngủ trước khi trả lời chú Sáu Dân, ông nghĩ đến điều gì? Bên cạnh quyết định từ chối, ông có nghĩ đến công việc mà mình sẽ đảm nhiệm nếu được tham gia Trung ương không?

- Tôi không nghĩ là mình sẽ phụ trách một bộ ngành hay địa phương nào. Nhưng tôi nghĩ mình có thể đảm đương công việc ở Ban Kinh tế Trung ương, có thể là Phó ban phụ trách phát triển khối kinh tế tư nhân. Đây là một khối rất đặc thù. Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp trên 40% GDP, 30% ngân sách nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Nghĩa là đóng góp rất lớn, rất quan trọng, nhưng lâu nay vẫn tồn tại rất nhiều rào cản về tư duy, về nhận thức và chính sách đối với khu vực này.

Tôi nghĩ rằng với kiến thức và trải nghiệm của mình, tôi có thể giúp tham mưu những chính sách phù hợp và uyển chuyển hơn, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân cũng như thúc đẩy dân chủ trong đời sống kinh tế - xã hội. Nếu góp sức được vào công cuộc này thì tôi nghĩ cũng rất cần thiết.

Ông Lê Kiên Thành: Tôi đam mê chính trị, nhưng... - 14

Với các thế hệ tiếp theo trong gia đình ông thì ông có đưa ra định hướng về sự nghiệp chính trị không?

- Từ kinh nghiệm bản thân, tôi hiểu rằng hãy để con em mình phát triển tự nhiên, làm những gì các cháu có khả năng nhất. Tôi có hai người con. Một cháu theo con đường kinh doanh, còn một cháu công tác trong cơ quan thuộc hệ thống chính trị.

Trước đây ba tôi không đưa ra định hướng buộc các con phải làm một công việc gì đó cụ thể. Ông chỉ căn dặn chúng tôi ba điều: Một là biết lao động, hai là sống có tình thương và ba là trọng lẽ phải. Tôi cũng luôn nói với các con mình như vậy. Sống có ý nghĩa chứ không quan trọng là phải giữ một chức vụ nào đó.

Trở lại với chuyện tôi làm kinh tế tư nhân, trước đây cũng có người nói là tôi… phá vỡ truyền thống gia đình, bởi vì họ nghĩ rằng ba tôi là một người Cộng sản, đặt quyền lợi của giai cấp trên hết, nhưng con trai ông là đảng viên lại đi kinh doanh, làm ông chủ doanh nghiệp. Có lẽ họ đã không hiểu hết tầm nhìn của ba tôi.

Tôi xin kể những câu chuyện như thế này. Năm 1972, giữa lúc chiến tranh đang khốc liệt nhất, ba tôi về Hải Phòng, thăm một cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu, ông cúi xuống hỏi cô công nhân: Cháu có biết đồng đô la là gì không? Ông Đoàn Duy Thành, lúc đó là lãnh đạo Thành ủy, trả lời: Thưa anh đến tôi cũng không biết thì cháu nó làm sao nó biết được đồng đô la là gì. Ba tôi nói: Chúng ta đang đánh Mỹ, nhưng khi sau khi chúng ta thắng Mỹ rồi thì Mỹ sẽ là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam. Những người làm xuất khẩu phải biết được đồng đô la là gì, các đồng chí phải biết.

Một lần khác ba tôi đi xuống địa phương, ông hỏi các cán bộ địa phương "anh giải thích cho tôi tại sao năng suất của thửa ruộng 5% (ruộng chia cho nông dân) lại cao hơn gấp ba, gấp bốn lần năng suất thửa ruộng góp vào hợp tác xã.

Những điều ba tôi trăn trở là như vậy, là những điều xuất phát từ thực tiễn, chuyện cơm ăn áo mặc của người dân, chuyện sản xuất kinh doanh, chuyện bạn hàng trong tương lai. Vậy nên, tôi không tự nhận mình là một doanh nhân, nhưng tôi nghĩ bản thân đã làm được một điều có ích, đã góp phần chứng minh rằng đảng viên nên và phải có quyền làm kinh tế tư nhân. Nếu chúng ta có nhiều đảng viên kinh doanh giỏi, nghĩa là chúng ta có nhiều đảng viên góp phần mang lại ấm no, hạnh phúc cho người dân.

Ông Lê Kiên Thành: Tôi đam mê chính trị, nhưng... - 15

Các bài viết của ông trên trang cá nhân cho thấy rất nhiều trăn trở thời cuộc. Đâu là vấn đề ông quan tâm nhất hiện nay?

- Nếu quan sát những vấn đề hiện nay thì có lẽ không cần phải thông minh lắm, chúng ta thấy rằng công tác cán bộ đang có vấn đề rất lớn. Tôi sẽ không nói về những mặt được, vì mọi người nói nhiều rồi. Nhưng như chúng ta chứng kiến là mới đi qua nửa nhiệm kỳ mà hơn 100 cán bộ cấp cao bị kỷ luật, hàng loạt lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh vướng lao lý.

Theo tôi hiểu thì công tác cán bộ được tiến hành rất chặt chẽ, nhiều tầng lớp, để chọn được một người vào Trung ương đã khó khăn, chọn một người vào Bộ Chính trị càng công phu hơn nữa, vì đây là đội ngũ quyết định đến sự phát triển của một địa phương hay một ngành, nhìn rộng là ra quyết định đến vận mệnh đất nước. Vậy vì sao trong cùng một thời điểm số cán bộ cấp chiến lược bị kỷ luật, bị đi tù lại nhiều như vậy. Chuyện gì đang sai? Sai ở đâu?

Tất nhiên là chúng ta đang đẩy mạnh chống tham nhũng, xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Là một đảng viên, tôi hoàn toàn ủng hộ công cuộc này. Nhưng tôi hiểu đây là công việc vừa cấp bách, vừa lâu dài. Nghĩa là một công việc mà chúng ta sẽ phải làm liên tục, kiên trì, không phải đấu tranh một trận là xong, không phải đây là trận cuối cùng.

Chúng ta đều đang đi chung trên một con thuyền ra biển lớn, nếu phát hiện có nước trong thuyền thì phải biết nước từ đâu tràn vào, rồi xúm lại tát nước và bịt lỗ hổng. Người nhận đồng tiền sai trái là đã phạm phải một cái lỗi rất sơ đẳng rồi, rất đáng bị phạt rồi, nhưng tôi nghĩ nước tràn vào không chỉ vì một cái lỗi sơ đẳng đó. Có những chuyện tinh vi hơn. Lúc chú Sáu Dân còn sống, tôi nhiều lần tâm sự với chú rằng chúng ta nỗ lực xây dựng được một con đường cao tốc rất lớn, nhưng lại cắm biển 50km/h thì sẽ kìm hãm sự phát triển. Những người mắc lỗi sơ đẳng họ làm ảnh hưởng đến tốc độ phương tiện đã đành, nhưng ngoài kia biết đâu có những người không mắc lỗi mà vẫn cắm cái biển hạn chế tốc độ? Đây là điều hiện nay tôi rất băn khoăn.

Tôi không nắm hết các quy trình của công tác cán bộ. Tôi chỉ nghĩ rằng một người có chức, có quyền không đứng vững trước cám dỗ vật chất nghĩa là tự rèn luyện chưa đủ. Vậy thì phải có cơ chế giám sát như thế nào, phải có sự ràng buộc như thế nào để điều đó không được xảy ra, chứ còn xảy ra rồi mà cố đi tìm thì sẽ phát hiện được thôi. Trong cuộc đấu tranh này, chúng ta hiểu như thế nào về một người hôm qua là người tốt, hôm nay đã ngã ngửa thành người xấu. Vậy có phải tầng tầng lớp lớp quy định, quy trình vẫn chưa đủ, hay vấn đề nằm ở chỗ khác.

Ông Lê Kiên Thành: Tôi đam mê chính trị, nhưng... - 18

Vậy theo ông vấn đề nằm ở đâu?

- Tôi chỉ là một đảng viên bình thường, cũng đang ở trên con thuyền này như mọi người khác, nhìn thấy vấn đề và muốn nêu lên những trăn trở của mình. Còn nguyên nhân ở đâu thì cần có những cuộc thảo luận lớn mới chỉ ra được. Không ai nói đội ngũ cán bộ, công chức của chúng ta không đông, bằng cấp cũng đủ cả. Vậy mà qua vụ án Vạn Thịnh Phát chúng ta thấy điều gì? Trời ơi, thất thoát quá lớn, và tất cả đến từ một người không học từ Harvard trở về, qua hết bao nhiêu tầng tầng lớp lớp quản lý để làm những chuyện như tòa án đã nêu.

Chúng ta nhìn tất cả những địa điểm đẹp nhất ở TPHCM, có có cả địa điểm ở Hà Nội nữa, từng do bà ấy làm chủ. Từng đó cơ sở vật chất của thành phố lớn nhất đất nước này do một người nắm giữ, với những sai phạm kéo dài năm này qua năm khác trước mắt biết bao hàng rào kiểm soát. Nghĩ đến điều đó trong tôi trào lên một nỗi xót xa rất lớn. Nhưng nói thật, nhiều khi tôi cảm thấy cô đơn vì ở trên trang cá nhân thì mình cũng chỉ chia sẻ được phần nào thôi.

Ông Lê Kiên Thành: Tôi đam mê chính trị, nhưng... - 20

Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Theo Võ Thành/Dân trí (Ảnh: Thành Đông; Thiết kế: Tuấn Huy)

https://dantri.com.vn/xa-hoi/ong-le-kien-thanh-toi-dam-me-chinh-tri-nhung-20240414164224325.htm

  • Từ khóa

Thủ tướng kiểm tra hiện trường, đốc thúc nhiều dự án cao tốc trọng điểm vào ngày nghỉ lễ

Ngày 29/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đi kiểm tra hiện trường, động viên cán bộ, công nhân đang làm việc trên công trường, đốc...
11:47 - 29/04/2024
368 lượt xem

Thủ tướng cắt băng khánh thành cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và một đoạn cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt (từ Diễn Châu đến quốc lộ 46B) chính thức khánh thành, giúp người dân từ TPHCM và Hà...
19:08 - 28/04/2024
815 lượt xem

Thêm nhiều điểm cháy trên núi Cô Tô, 300 người được huy động dập lửa

Các đám cháy nhỏ trên núi Cô Tô sáng 28/4 là "tàn dư" của đám cháy lớn ngày 26/4. Do nắng nóng, gió lớn cộng thêm địa hình núi có nhiều hốc đá ủ khói nên...
10:29 - 28/04/2024
1,058 lượt xem

Nghệ thuật phân tán địch trên chiến trường Điện Biên Phủ

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đánh dấu nghệ thuật quân sự trong cuộc kháng chiến chống Pháp, trong đó có nghệ thuật phân tán địch trên các chiến...
09:16 - 28/04/2024
1,085 lượt xem

Trung ương đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi chức Chủ tịch Quốc hội

Xét theo nguyện vọng cá nhân, Trung ương đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên Trung ương khóa XIII, Chủ tịch Quốc...
15:22 - 27/04/2024
1,626 lượt xem