24
/
151411
Động thái gây lo ngại của Ấn Độ
dong-thai-gay-lo-ngai-cua-an-do
news

Động thái gây lo ngại của Ấn Độ

Thứ 5, 03/08/2023 | 10:43:50
2,168 lượt xem

Một số chuyên gia cho rằng Ấn Độ nên tránh đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo đột ngột nếu không muốn bị xem là nhà cung cấp không đáng tin cậy

Lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati mới đây của Ấn Độ gây lo ngại hàng triệu người bị ảnh hưởng và dẫn đến nguy cơ xảy ra khủng hoảng lương thực toàn cầu. Lệnh cấm này được đưa ra hôm 20-7 khi chính phủ Ấn Độ tìm cách kiềm chế giá lương thực tăng cao trong nước và "bảo đảm có đủ gạo trong nước với giá cả hợp lý." 

Vào thời điểm đưa ra thông báo này, giới chức Ấn Độ cho biết nhu cầu toàn cầu tăng khiến lượng gạo trắng non-basmati xuất khẩu trong quý II/2023 tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm ngoái, Ấn Độ xuất khẩu 22 triệu tấn gạo sang 140 nước. Không gì lạ khi lệnh cấm mới nhất đã dẫn đến nỗi lo giá gạo toàn cầu leo thang. Ông Pierre-Olivier Gourinchas, nhà kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cho rằng động thái của Ấn Độ có thể làm trầm trọng thêm lạm phát giá lương thực. Theo ông Gourinchas, giá ngũ cốc toàn cầu có thể tăng đến 15% trong năm nay.

Động thái gây lo ngại của Ấn Độ - Ảnh 1.

Một cánh đồng lúa ở ngoại ô TP Ahmedabad - Ấn Độ hôm 21-7. Ảnh: REUTERS

Bà Shirley Mustafa, chuyên gia của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc, cho biết giá gạo toàn cầu đã tăng kể từ đầu năm 2022. Tính từ tháng 6 năm ngoái cho đến giờ, mức giá này đã tăng 14%. 

Theo bà Mustafa, giá tăng có thể buộc thêm nhiều người giảm mua lương thực, chuyển sang những lựa chọn thay thế kém dinh dưỡng hơn hoặc cắt giảm chi tiêu cho những nhu cầu thiết yếu khác.

Trong khi đó, 2 chuyên gia Ashok Gulati và Raya Das của Hội đồng Nghiên cứu quan hệ kinh tế quốc tế Ấn Độ cảnh báo an ninh lương thực của nhiều nước châu Phi sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. 

Họ cho rằng Ấn Độ nên tránh đưa ra những lệnh cấm đột ngột như thế nếu không muốn bị xem là nhà cung cấp gạo không đáng tin cậy.

Theo đài CNBC hôm 2-8, đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati nhưng tác động lần này có thể sâu rộng hơn trước. Vào tháng 10-2007, Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm tương tự, rồi tạm thời dỡ bỏ và sau đó áp đặt lại vào tháng 4-2008. 

Động thái này khiến giá tăng gần 30% lên mức cao kỷ lục khi đó. Đến tháng 9-2022, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm. Giờ đây, giá gạo dao động ở mức cao nhất trong thập kỷ qua giữa lúc hiện tượng thời tiết El Nino gây thêm rủi ro cho các nước sản xuất gạo lớn khác của châu Á, như Thái Lan, Pakistan…

Ông Samarendu Mohanty, Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Nghiên cứu nông nghiệp International Potato Center (trụ sở ở Peru), lưu ý rằng lệnh cấm mới sẽ có tác động sâu rộng hơn so với 16 năm trước. 

Chuyên gia này nhận định rằng mức độ tác động của lệnh cấm sẽ phụ thuộc vào phản ứng của các nhà nhập khẩu và xuất khẩu gạo khác. Nếu các nước xuất khẩu gạo lớn khác cũng hạn chế xuất khẩu và các nước nhập khẩu lớn đua nhau tích trữ, thị trường gạo có thể xảy ra hỗn loạn.

Ấn Độ thời gian qua đối mặt tình trạng lạm phát lương thực dai dẳng với giá gạo tăng hơn 30% kể từ tháng 10-2022. Điều này làm gia tăng sức ép chính trị lên chính quyền Thủ tướng Narendra Modi trước khi tổng tuyển cử, dự kiến diễn ra vào tháng 4-2024. Theo ông Mohanty, lệnh cấm nhiều khả năng được duy trì ít nhất cho đến cuộc bầu cử này. 

Những nước nào sẽ bị ảnh hưởng?

Theo CNBC, lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati của Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến thị trường gạo toàn cầu. Theo một số chuyên gia, số lượng người bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm sẽ lên tới hàng triệu. Châu Á và châu Phi dự kiến sẽ chịu gánh nặng lớn nhất, Trung Đông cũng không tránh khỏi tác động.

Ngân hàng Barcalys (Anh) cho rằng nước dễ bị tổn thương nhất có thể là Malaysia do phụ thuộc khá nhiều vào gạo Ấn Độ. "Nước này nhập khẩu một phần đáng kể nguồn cung gạo của mình, trong đó số lượng nhập khẩu từ Ấn Độ chiếm tương đối lớn" - báo cáo mới của Barclays nhận định

. Singapore cũng có thể bị ảnh hưởng do gạo trắng non-basmati Ấn Độ hiện chiếm khoảng 17% lượng gạo nhập khẩu của quốc gia Đông Nam Á này. Cơ quan Lương thực Singapore hôm 28-7 cho biết đang tìm kiếm sự miễn trừ khỏi lệnh cấm của Ấn Độ.

Châu Á không phải là khu vực duy nhất bị ảnh hưởng trước lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Theo Công ty Nghiên cứu BMI Research (Anh), các thị trường dễ bị ảnh hưởng khác tập trung ở vùng châu Phi hạ Sahara, Trung Đông và Bắc Phi. Trong số này, Djibouti, Liberia, Qatar, Gambia và Kuwait là những nơi bị tác động nhiều nhất.

Riêng Công ty phân tích dữ liệu Gro Intelligence (Mỹ) còn nêu một số cái tên khác như Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và Pakistan, đồng thời chỉ ra rằng các nước này đang vật lộn với tình trạng lạm phát giá lương thực cao.

Anh Thư

Theo Hoàng Phương/Người Lao Động

https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/dong-thai-gay-lo-ngai-cua-an-do-20230802211920456.htm

  • Từ khóa

Châu Á 'bốc hỏa' tới khi nào?

Khắp châu Á đang hứng chịu đợt nắng nóng nghiêm trọng, nhiều nơi có nhiệt độ phá kỷ lục, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng trăm triệu người.
18:02 - 02/05/2024
170 lượt xem

Bộ Quốc phòng Campuchia thông tin nguyên nhân nổ căn cứ quân sự làm 20 người chết

Trong tuyên bố ngày 2-5, Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết các nhà điều tra tin rằng đợt nắng nóng hiện tại gây nổ căn cứ quân sự làm 20...
16:25 - 02/05/2024
228 lượt xem

100 trường học ở Ấn Độ đồng loạt bị đe dọa đánh bom

Có tới 100 trường học trên khắp Delhi và vùng thủ đô quốc gia (NCR) của Ấn Độ đã nhận được thư điện tử đe dọa đánh bom. Trong đó, hàng chục trường học đã...
15:12 - 02/05/2024
260 lượt xem

Số người cao tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương dự báo tăng lên 1,2 tỷ người vào năm 2050

Số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển được dự báo sẽ tăng gần gấp đôi lên 1,2 tỷ người vào năm 2050, làm gia tăng nhanh...
14:44 - 02/05/2024
261 lượt xem

Thủ tướng Campuchia: Đang có nỗ lực phá hoại dự án xây kênh đào Phù Nam Techo

Phát biểu hôm 1-5, Thủ tướng Campuchia Hun Manet nói ông biết một nhóm đối lập có trụ sở tại Mỹ đang âm mưu phá hoại việc xây kênh đào Phù Nam Techo,...
11:47 - 02/05/2024
324 lượt xem