18
/
156946
Người Nhật mê vovinam
nguoi-nhat-me-vovinam
news

Người Nhật mê vovinam

Thứ 2, 27/11/2023 | 15:08:31
2,166 lượt xem

Nhật Bản là quốc gia có nhiều môn võ nổi tiếng thế giới. Nhưng điều đáng quý là vovinam vẫn có thể gieo hạt và bén rễ ở mảnh đất giàu truyền thống võ học này nhờ sự tận tâm và tình yêu võ Việt của những người bạn Nhật Bản.

Ông Fugo (phải) cùng đội tuyển vovinam Nhật Bản tranh tài tại giải thế giới 2023 - Ảnh: N.K.

Giải vô địch vovinam thế giới lần 7-2023 tại TP.HCM đã là giải đấu thế giới thứ ba mà Nhật Bản tham dự. Sự tiếp nối của vovinam Nhật Bản là rất tốt khi lần tranh tài tại Việt Nam có cả những nhân tố mới lần đầu tiên tham dự.

Sự hút hồn của võ Việt

Võ thuật Nhật Bản nổi tiếng với karate, judo, aikido, jujitsu, kendo… nên để du nhập môn võ nước ngoài vào là điều cực khó. Nhưng như một cơ duyên, vovinam đã đến Nhật Bản từ năm 2012 nhờ một đô vật chuyên nghiệp Fujisaki Tadahiro - được gọi với cái tên thân thuộc là Fugo.

Ông Fugo bị hút hồn bởi những đòn thế đẹp mắt của vovinam khi đi xem Giải vô địch vovinam thế giới lần 2-2011 tại TP.HCM và quyết tâm tìm đến môn võ để học, rồi nghĩ cần phải quảng bá môn võ Việt này trên quê hương mình. 

"Việc gì cũng có cái khó của nó. Đem một môn võ thuật mới vào và phổ biến ra khắp Nhật Bản là điều không hề đơn giản. Nhưng tôi thích thú với công việc này", ông Fugo chia sẻ.

12 năm qua, vovinam đã phát triển không ngừng tại Nhật Bản. Vovinam được ông Fugo giới thiệu đến nhiều tỉnh thành Nhật Bản và hiện có 10 lớp võ với khoảng 300 môn sinh tập luyện. 

Ở Giải vô địch vovinam thế giới lần 7-2023, Nhật Bản tham dự với 12 VĐV (4 nữ). Trong đó, biểu diễn quyền chiếm đến 11 VĐV và chỉ có 1 VĐV thi đấu đối kháng ở hạng cân 68kg nam. 

Dù khó cạnh tranh thành tích nhưng các VĐV vovinam Nhật Bản đều tỏ ra hạnh phúc khi lần đầu tiên được đến Việt Nam tranh tài. Đặc biệt là với những VĐV còn đang theo học cấp III như Sowa Omine và Tamaki Azusa.

Sowa Omine học vovinam từ lúc 10 tuổi và giờ vẫn giữ niềm đam mê với vovinam. Anh chọn tập đại đao và kiếm - hai môn binh khí thật trái ngược về trọng lượng lẫn cách thể hiện. Hôm nay (27-11), Sowa Omine sẽ biểu diễn "Nhật nguyệt đại đao pháp" - bài thi mà anh rất tâm đắc. 

"Tôi học vovinam vì thấy thầy của mình tập khá thú vị. Nhờ học vovinam, tôi cảm thấy mình khỏe mạnh hơn, tập đại đao cũng không thành vấn đề. Ngoài những đòn thế đẹp mắt, vovinam cũng dạy người học cách đối nhân xử thế", anh nói.

Với Tamaki Azusa, cô gái đang theo học judo, việc đến với vovinam là do mẹ khuyến khích vì sân tập gần nhà, và rồi cô thích lúc nào không biết. Sau 6 năm tập luyện, Giải vô địch vovinam thế giới lần 7-2023 là giải đấu quốc tế đầu tiên của Tamaki Azusa. 

Cảm giác không khỏi hồi hộp nhưng cô gái này cũng sẵn sàng để có thể bước vào bài thi đồng đội kiếm nữ vào hôm nay (27-11).

Sasaki với bài thi Long hổ quyền - Ảnh: QUANG THỊNH

Mối lương duyên võ Việt

Lớp vovinam tại Nhật có khá nhiều thành phần theo học. Trong đó có cả diễn viên hài lẫn ca sĩ, những người trước đó chỉ biết vovinam qua truyền hình. 

Nổi bật là Shiho Sasaki - gương mặt quen thuộc với vai trò ca sĩ trong các chương trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản nhiều năm qua. Yêu quý võ Việt, cô gái sinh năm 1990 còn quyết định lấy chồng người Việt Nam.

Cuộc sống của Sasaki rẽ hướng cách đây khoảng 5 năm khi gặp anh Hoàng Linh ở Đà Nẵng trong một sự kiện giao lưu văn hóa của hai nước Việt Nam và Nhật Bản. 

Hai người làm bạn bè từ đó trước khi quyết định tiến tới hôn nhân vào đầu năm 2023 và chuyển hẳn về TP.HCM sinh sống vào tháng 10 vừa qua.

Đây là lần thứ hai Sasaki dự Giải vô địch vovinam thế giới, sau chiếc HCĐ đồng đội kiếm nữ ở giải lần 6-2019 tại Campuchia. Cô bắt đầu theo đuổi vovinam từ năm 2016 dù trước đó chưa từng làm quen với bất cứ môn võ nào. 

Sasaki thừa nhận tình yêu với Việt Nam giúp cô có động lực, đặc biệt là khi có chồng đi cổ vũ ở giải đấu lần này trên sân nhà. 

"Mục tiêu của tôi là giành được huy chương ở nội dung Long hổ quyền, nhưng chỉ xếp thứ 7. Dù vậy, tôi vẫn còn hai nội dung nữa là đồng đội kỹ thuật căn bản và đồng đội kiếm nữ để cố gắng".

Sasaki thừa biết thế mạnh của mình không phải là võ thuật. Tuy nhiên, việc tập luyện vovinam giúp cô tìm tòi và lấy cảm hứng để sáng tác các ca khúc chân thật về Việt Nam. 

Khi có ý tưởng, cô và chồng cùng nhau kết hợp để cho ra các sản phẩm âm nhạc phục vụ kiều bào hai nước. Anh Hoàng Linh cho biết: "Sasaki là người trình bày ca khúc Hào khí Việt Nam - bài hát được chọn làm chủ đề của vovinam Nhật Bản".

Theo Nguyên Khôi/ Tuổi trẻ

https://tuoitre.vn/nguoi-nhat-me-vovinam-20231126232636406.htm

  • Từ khóa

Điền kinh Việt Nam hướng tới tấm vé duy nhất đến Olympic Paris 2024

Đội tuyển điền kinh tiếp sức 4x400m nữ Việt Nam chuẩn bị bước vào cuộc đấu quan trọng với hy vọng giành được tấm vé đến Olympic Paris tại Giải tiếp sức...
10:24 - 20/05/2024
34 lượt xem

Nhân sự đội tuyển Việt Nam dưới thời Kim Sang Sik có gì?

Qua theo dõi 4 vòng đấu ở V-League 2023-2024, HLV Kim Sang Sik cùng các trợ lý đã có sự chuẩn bị nhân sự tốt cho đợt tập trung sắp tới của đội tuyển Việt...
09:16 - 20/05/2024
68 lượt xem

Vô địch Ngoại hạng Anh 4 lần liên tiếp, Man City lập kỷ lục lịch sử, Foden chói sáng

Man City đã lên ngôi Ngoại hạng Anh 2023 - 2024 sau chiến thắng dễ 3-1 trước West Ham ở vòng cuối diễn ra tối 19.5 để đi vào lịch sử với tư cách đội đầu...
08:26 - 20/05/2024
89 lượt xem

Quang Hải nhận lương kém xa Công Phượng tại Nhật Bản?

Theo tìm hiểu, Quang Hải sẽ ký bản hợp đồng có thời hạn không dưới 1 năm với đội bóng J-League 1 và chỉ nhận mức lương khá khiêm tốn
08:35 - 19/05/2024
682 lượt xem

Tên tuổi HLV Kim Sang-sik bị mạo danh, VFF hành động khẩn

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và công ty đại diện của HLV Kim Sang-sik cùng lên tiếng cảnh báo việc nhà cầm quân Hàn Quốc bị mạo danh.
12:21 - 18/05/2024
1,175 lượt xem