240
/
112097
Hỗ trợ khẩn cấp lao động phi chính thức
ho-tro-khan-cap-lao-dong-phi-chinh-thuc
news

Hỗ trợ khẩn cấp lao động phi chính thức

Thứ 2, 28/06/2021 | 10:38:14
731 lượt xem

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo gói hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19. Nhiều ý kiến cho rằng, cần hỗ trợ khẩn cấp cho người lao động trong khu vực phi chính thức bởi đây là đối tượng dễ tổn thương và chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch bệnh.

Nguồn: ITN

Ưu tiên nhóm lao động tự do

Theo thông tin ban đầu, gói hỗ trợ trị giá trên 27.580 tỷ đồng, thực hiện các chính sách như: Miễn tiền đóng vào Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng (các chế độ của lao động vẫn được bảo đảm); tiếp tục cho doanh nghiệp tạm dừng đóng Quỹ Hưu trí và Tử tuất trong 6 tháng; sử dụng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại lao động để duy trì việc làm; hỗ trợ trực tiếp lao động dừng hợp đồng, lao động nghỉ việc không lương, mất việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp…

Góp ý vào gói hỗ trợ lần này, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, cần ưu tiên cho lao động trong khu vực phi chính thức. Họ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, vì công ăn việc làm bấp bênh, không có hợp đồng lao động hoặc hợp đồng thỏa thuận miệng, thu nhập thấp... Trải qua 2 đợt dịch từ đầu năm đến nay, các địa phương tạm ngừng kinh doanh nhiều dịch vụ, cấm tập trung đông người. Do đó, hàng quán vắng vẻ, hàng rong không được hoạt động, xe ôm, người bốc vác tự do... không có công việc. Họ không còn kế sinh nhai để nuôi bản thân và gia đình.

Tiếp đến, cần hỗ trợ lao động bị mất việc, làm cầm chừng, đặc biệt trong vùng cách ly, giãn cách xã hội, ông Huân đề xuất. Bởi theo công bố gần nhất của Tổng cục Thống kê, cả nước vẫn còn 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong đó, 540 nghìn người bị mất việc; 2,8 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động bị giảm thu nhập.

Kết quả giải ngân gói hỗ trợ lần 1 trị giá 62.000 tỷ đồng cho thấy, 83% người được hỗ trợ thuộc nhóm chính sách xã hội gồm hộ nghèo, cận nghèo, người có công, người nhận bảo trợ. Còn số lao động khu vực phi chính thức và chính thức bị mất việc, ngừng việc hoặc giãn việc do thu hẹp sản xuất, phong tỏa, cách ly, thì hỗ trợ chưa được là bao.

Cùng quan điểm, TS. Vũ Hồng Thanh, Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, cho rằng, chính sách hỗ trợ nhóm lao động phi chính thức là rất cần thiết. Ông dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, theo đó, giai đoạn 2010 - 2019, nền kinh tế cá thể bao gồm hộ kinh doanh cá thể, lao động tự do như xe ôm, người bán hàng rong… đóng góp khoảng 31% GDP của cả nước, cao nhất trong các thành phần kinh tế. Dù ảnh hưởng của dịch bệnh đến từng khu vực không giống nhau nhưng lao động tự do chịu tác động lớn nhất. Vì vậy, Chính phủ nên đưa nhóm lao động tự do, buôn bán nhỏ lẻ, người làm thuê không có hợp đồng lao động vào đối tượng hỗ trợ lần này. “Hỗ trợ khẩn cấp cho nhóm này không chỉ giúp về công ăn việc làm, an sinh, mà còn liên quan đến an ninh xã hội”, ông Thanh nói.

Có tiêu chí cụ thể

Nhiều ý kiến lo ngại khả năng tiếp cận các gói hỗ trợ của nhóm lao động phi chính thức rất khó vì cách quản lý đối tượng này hiện nay như “bắt cóc bỏ đĩa”, chưa có cách làm bài bản. Thực tế từ gói chính sách an sinh xã hội lần 1 cho thấy, có nhiều thủ tục vướng mắc, thời gian triển khai kéo dài; cơ sở xác định đối tượng để hỗ trợ gặp nhiều khó khăn khiến việc giải ngân không được như dự kiến.

Để hỗ trợ hiệu quả khu vực lao động phi chính thức, theo ông Thanh, cần chia nhóm đối tượng này và có tiêu chí cụ thể. Chẳng hạn với nhóm hộ kinh doanh, để biết ai là người bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh, cơ quan chức năng có thể dùng dữ liệu của ngành thuế, chính quyền phường để rà soát. Với nhóm lao động tự do từ địa phương khác đến, sẽ lấy thông tin từ nơi đăng ký thường trú, tạm trú là tổ dân phố, phường. Với nhóm giáo viên tư thục, có thể chứng minh làm việc qua hợp đồng hoặc thỏa thuận với chủ sử dụng lao động, kê khai mức lương hàng tháng...

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Lê Quang Trung cho rằng, các địa phương cũng phải chủ động để có giải pháp hỗ trợ người lao động theo hướng tạo điều kiện cho họ về đời sống như: Bố trí việc làm tạm thời, đào tạo, cho vay vốn, khuyến khích người lao động tự tạo việc làm, học hành, khám chữa bệnh.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, 5,4 triệu hộ kinh doanh cá thể sử dụng lượng lao động rất lớn trong xã hội. Mặc dù thuế đóng cho ngân sách nhà nước không nhiều nhưng họ đóng góp trực tiếp cho các địa phương rất lớn. Vì vậy, những đối tượng này rất cần được hỗ trợ vào lúc khó khăn hiện nay. Ngoài gói hỗ trợ của Chính phủ, các địa phương cũng nên chủ động hỗ trợ từ nguồn ngân sách của mình cho các nhóm lao động phi chính thức.

Theo Tuệ Anh/ Đại Biểu Nhân Dân

https://www.daibieunhandan.vn/ho-tro-khan-cap-lao-dong-phi-chinh-thuc-tlmpbmm9st-59387

  • Từ khóa

Đề xuất tăng 6% lương tối thiểu vùng từ 1-7

Bộ LĐ-TB-XH vừa có tờ trình đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động từ...
15:45 - 17/05/2024
900 lượt xem

Lương của công chức, viên chức sẽ tăng từ 1/7/2024

Từ 1/7/2024, tiền lương trung bình của công chức, viên chức sẽ tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của người lao động làm công hưởng lương hiện...
11:18 - 16/05/2024
1,807 lượt xem

Lật thuyền trên sông Ba, 3 công nhân thi công cao tốc Bắc - Nam gặp nạn

Ba công nhân thi công tuyến cao tốc Bắc - Nam đang chèo thuyền trên sông Ba để về lán trại nghỉ ngơi thì bị lật thuyền khiến 1 người chết, 2 công nhân...
08:41 - 16/05/2024
1,744 lượt xem

Liên tiếp các vụ ngộ độc: Không “khoán trắng” việc bảo đảm an toàn thực phẩm

Chỉ trong thời gian ngắn, tại nhiều địa phương như: Đồng Nai, Nha Trang, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh… liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm...
07:47 - 16/05/2024
1,621 lượt xem

Vượt qua nỗi đau!

Rạng sáng 12-5, cộng đồng người Việt Nam ở Warsaw choàng tỉnh, bất lực chứng kiến Trung tâm Thương mại Marywilska 44 chìm trong biển lửa
11:00 - 15/05/2024
2,078 lượt xem