9
/
160425
Chi trăm triệu đồng làm... đồ án tốt nghiệp: Nỗi lòng sinh viên khó khăn
chi-tram-trieu-dong-lam-do-an-tot-nghiep-noi-long-sinh-vien-kho-khan
news

Chi trăm triệu đồng làm... đồ án tốt nghiệp: Nỗi lòng sinh viên khó khăn

Thứ 6, 23/02/2024 | 10:10:00
2,098 lượt xem

Đam mê ngành học được cho là "xa xỉ" nên những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn phải trải qua nhiều thử thách, trắc trở và nỗ lực không ngừng nghỉ trong hành trình chinh phục ước mơ.

Bảo lưu kết quả 2 năm, đi làm kiếm tiền thực hiện đồ án

Bảo vệ thành công đồ án tốt nghiệp ngành thiết kế thời trang, Nguyễn Tạ Đức Phú, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, đã không kìm được những giọt nước mắt hạnh phúc và tự hào vì đã đi qua được những ngày tháng khó khăn.

Nguyễn Tạ Đức Phú trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệpẢnh: NVCC

Nguyễn Tạ Đức Phú trong buổi bảo vệ đồ án tốt nghiệp NVCC

Năm 2019, khi đang là sinh viên năm nhất thì gia đình Phú gặp khó khăn về mặt kinh tế. Từ đó Phú phải đi làm thêm để trang trải cho việc học.

Đầu năm 4, Phú bảo lưu kết quả học tập tại trường để đi làm kiếm tiền thực hiện đồ án tốt nghiệp. Phú xin vào làm quản lý sản xuất cho một xưởng may tại Q.Tân Bình, TP.HCM, đồng thời nhận thiết kế trang phục cho các thương hiệu thời trang nội địa để kiếm thu nhập.

"Khi những người bạn cùng lớp đều đang thực hiện đồ án tốt nghiệp thì mình phải đi làm. Lúc đó mình rất buồn nhưng tự trấn an bản thân phải cố gắng", Phú chia sẻ.

Sau 2 năm tích góp tiền cùng với sự hỗ trợ của gia đình, Phú trở lại trường để thực hiện đồ án tốt nghiệp. Phú đã chi gần 100 triệu đồng để thực hiện đồ án này.

"Về mặt ý tưởng, mình đã ấp ủ từ 2 năm trước nhưng không có điều kiện về kinh tế để thực hiện. Sau 2 năm đi làm, mình đã tích góp được tiền và kinh nghiệm nên tự tin hơn", Phú chia sẻ.

Từ nhỏ đã mang giấc mơ trở thành nhà thiết kế thời trang nên N.D.L (21 tuổi), quyết tâm thi đậu vào ngành này tại một trường ĐH ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Tuy nhiên, vì gia đình không có điều kiện kinh tế nên L. đã tạm dừng việc học từ năm thứ 2.

"Ngoài học phí thì mình phải tự chi trả cho việc làm đồ án môn học và năm cuối là đồ án tốt nghiệp. Ba mẹ mình làm công nhân, lương khoảng 7 triệu đồng/tháng nên chỉ đủ chi trả cho các nhu cầu cơ bản. Mình biết năm cuối sẽ phải đầu tư khá nhiều tiền cho đồ án tốt nghiệp mà điều kiện kinh tế gia đình thì không đủ. Ba mẹ cũng khuyên cố gắng, tuy nhiên mình đã quyết định bảo lưu kết quả học tập và đi làm", L. tâm sự.

L. đang làm việc trong một xưởng may gia công quần áo tại Q.7, TP.HCM, đồng thời nhận thiết kế trang phục cho các thương hiệu thời trang nội địa. Tuy phải tạm dừng việc học tại trường đại học nhưng L. vẫn quyết tâm học hỏi kỹ năng thiết kế thời trang từ những người đi trước để nâng cao trình độ chuyên môn qua từng ngày.

"Mình sẽ cố gắng làm việc, tích góp và đặt mục tiêu trở lại giảng đường vào năm 2025. Nhìn bạn bè có những đồ án tốt nghiệp hoành tráng mà mình cũng nôn nao, đôi lúc rất tủi thân. Hiện tại mình đã có ý tưởng cho đồ án tốt nghiệp và chỉ cần đủ tiền là sẽ trở lại giảng đường để thực hiện", L. chia sẻ.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ

Thực hiện đồ án tốt nghiệp mang tên "Me" lấy ý tưởng từ những ký ức thời thơ ấu, Trần Văn Trung, sinh viên ngành thiết kế thời trang Trường ĐH Văn Lang, đã đạt được số điểm 9,13. Trung lớn lên tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong một gia đình không khá giả. Tuổi thơ của chàng trai này là những ngày được dạo quanh bãi biển nhặt ve chai để bán kiếm tiền…

"Bản thân mình phải đi làm phục vụ tại nhà hàng từ năm nhất đại học để kiếm 2 - 3 triệu đồng/tháng phụ giúp gia đình. Năm 3 đại học, mình kiếm được nhiều tiền hơn từ việc thiết kế trang phục cho các thương hiệu thời trang nội địa. Nhờ quá trình này mà mình có kinh phí để thực hiện đồ án tốt nghiệp", Trung chia sẻ.

Trung cho biết lựa chọn làm đồ án trang phục dạo phố, đồng thời tự tay xử lý chất liệu và nhờ bạn bè giúp đỡ nên tiết kiệm được nhiều chi phí. Tổng số tiền mà Trung phải chi cho đồ án là 60 triệu đồng.

Ba bị tai biến mạch máu não, mẹ gồng gánh kinh tế từ công việc may đồ, nên từ nhỏ nhà thiết kế Quí Trần (tên thật Trần Văn Quí Em, 26 tuổi, quê ở Đồng Tháp) đã đi bán vé số để phụ giúp gia đình.

Quí Trần trở thành thủ khoa đầu vào ngành thiết kế thời trang Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM năm 2016. Ngày rời quê lên TP.HCM nhập học, Quí Trần chỉ có một khoản tiền tiết kiệm ít ỏi từ công việc bán vé số và phụ mẹ may đồ trước đó.

Trong quá trình học tập, Quí Trần luôn nỗ lực để đạt được những điểm số cao, nhờ vậy mà chàng trai này liên tục "săn" được nhiều học bổng. Ngoài ra Quí Trần còn tranh thủ đi vẽ tranh tường, nhận may đồ... để kiếm thêm thu nhập. Chính những khoản tiền này đã giúp Quí Trần chi trả được cho việc làm đồ án học tập và đồ án tốt nghiệp.

"Nhờ thông thạo các kỹ thuật may mà mình đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong quá trình làm đồ án. Bên cạnh đó, mình phải làm hết tất cả mọi thứ từ may, đính kết…, lên ý tưởng chụp hình và nhờ sinh viên khóa dưới hỗ trợ để tiết kiệm tối đa chi phí", anh chia sẻ.

"Mình nhận thấy để thành công với ngành thời trang, chúng ta phải có một nền tảng về kinh tế cùng kỹ năng thật tốt. Còn nếu bạn sinh ra trong một gia đình khó khăn thì phải thật sự có bản lĩnh, kiên trì mới có thể theo đuổi được nghề này", Quí Trần nói.

Theo Thanh niên

https://thanhnien.vn/chi-tram-trieu-dong-lam-do-an-tot-nghiep-noi-long-sinh-vien-kho-khan-185240222175730143.htm 

  • Từ khóa

Về quê sống tưởng không khó mà… khó không tưởng!

Mẹ lớn tuổi một thân một mình không ai chăm nên tôi định về quê sinh sống và lập nghiệp. Ở được vài tháng, tôi đành tất tả quay lại thành phố.
11:50 - 17/05/2024
771 lượt xem

Niềm tin và lý tưởng là nền tảng để người trẻ 'quy hoạch' được cuộc đời mình

Tại hội thảo xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên VN, các đại biểu cho rằng hình mẫu thanh niên phù hợp sẽ là nền tảng để mỗi người trẻ đều có hoài bão...
09:50 - 17/05/2024
801 lượt xem

Chủ kênh 'Ẩm thực mẹ làm' có tên trong danh sách 30 Under 30 Asia 2024

Ngày 16-5, tạp chí Forbes công bố danh sách 30 Under 30 châu Á. Trong đó, chủ kênh YouTube “Ẩm thực mẹ làm” vinh dự là một trong 4 đại diện đến từ Việt...
08:19 - 17/05/2024
835 lượt xem

Ngành nghề của tương lai: Có một nghề vừa chơi, vừa làm và vừa... có tiền

Không dừng lại ở việc chơi game giải trí, thể thao điện tử đang dần trở thành một ngành nghề sản sinh ra nhiều vị trí việc làm và tuyển dụng một cách...
14:24 - 16/05/2024
1,297 lượt xem

Mệt mỏi với kiểu người đi đâu, làm gì cũng phải chụp hình ‘cúng’ Facebook

Đồ ăn mang ra từ lúc nóng hổi đến nguội lạnh, ly nước có khi tan gần hết đá vẫn chưa được động tay vào chỉ vì người đi cùng chưa chụp được một tấm hình...
11:30 - 16/05/2024
1,330 lượt xem