11
/
151785
Thi tốt nghiệp THPT 2025: Tại sao loại bỏ môn tự chọn là mỹ thuật, âm nhạc?
thi-tot-nghiep-thpt-2025-tai-sao-loai-bo-mon-tu-chon-la-my-thuat-am-nhac
news

Thi tốt nghiệp THPT 2025: Tại sao loại bỏ môn tự chọn là mỹ thuật, âm nhạc?

Thứ 6, 11/08/2023 | 07:17:00
2,216 lượt xem

Âm nhạc và mỹ thuật vắng mặt trong dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT. Nó cũng vắng mặt trong các tổ hợp tự chọn được các trường đề xuất cho học sinh lớp 10.

8 bắt buộc và 9 tự chọn, chọn sao cho đúng?

Một giáo viên gửi cho tôi phiếu khảo sát về dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Theo đó, phương án 1, THPT thi 4 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn, chương trình GDTX bậc THPT thi 3 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Phương án 2, đồng nhất THPT và chương trình GDTX bậc THPT với 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn.

Nếu chúng ta không quay về bản chất sự việc, mà chỉ căn cứ vào đó để chọn một trong hai sẽ không thật chính xác. Bởi chưa chắc 2 phương án đó đã đúng với thực tiễn mà ngành giáo dục nói chung, giáo viên và học sinh nói riêng, đang gặp phải.

Có 3 vấn đề lớn liên quan đến bản chất của giáo dục cải cách theo đề cương năm 2018:

Vấn đề 1 là chương trình cải cách; vấn đề 2 là song song với chương trình mới, sẽ đào tạo giáo viên theo chuẩn mới, đáp ứng chất lượng giảng dạy; vấn đề 3 là cơ sở vật chất đáp ứng linh hoạt, đồng bộ theo đòi hỏi của chương trình.

Bất cập nhất hiện nay, đó là ngành giáo dục chỉ mới đáp ứng cơ bản vấn đề 1, còn bỏ ngỏ vấn đề 2 và 3.

Thi tốt nghiệp THPT 2025: Tại sao loại bỏ môn tự chọn là mỹ thuật, âm nhạc? - 1

Học sinh thi tốt nghiệp THPT 2023 tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Quân).

Bất cập này dẫn tới nhiều bất cập khác ở thực tiễn, từ việc chọn môn học cho đến chọn phương án đánh giá năng lực thông qua các môn học đã được chọn. Bởi lớp 10, học sinh đã phải chọn môn học, nhưng đến lớp 12, Bộ mới đưa ra phương án đánh giá năng lực tốt nghiệp.

Học sinh vào cấp 3 theo chương trình cải cách sẽ có 8 môn bắt buộc: Giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục địa phương, toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử. Ngoài 8 môn bắt buộc này, học sinh được lựa chọn 4 trong 9 môn học: giáo dục kinh tế và pháp luật, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, công nghệ, âm nhạc và mỹ thuật.

Bắt buộc là luật, nên chúng ta không bàn. Dù với cá nhân tôi, các con không cần thiết học toán ở cấp 3 nếu không có nhu cầu gắn với thực tế ở tương lai. Hoặc học nhưng không cần dùng để đánh giá kết quả tốt nghiệp. Vậy còn môn tự chọn thì sao? Nên chọn 4 môn nào trong 9 môn kể trên?

Nền giáo dục chúng ta có giáo viên công nghệ, mỹ thuật, âm nhạc cấp 2 và ở bậc đại học, nhưng rất tiếc, nó vắng bóng ở các trường cấp 3. Kể cả khối trường chuyên là nơi có chuẩn cao nhất ở các tỉnh, chúng ta vẫn không có giáo viên dạy 3 môn đó. 

Giáo viên lý - hóa - sinh có thể kiêm nhiệm môn công nghệ, nhưng kiêm nhiệm đến bao giờ? Và một khi kiêm nhiệm là đã không đi hết tinh thần cải cách, chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, học hay dạy cho có, thiếu thực chất.

Ngành giáo dục cũng không thể một sớm một chiều bổ sung được đủ giáo viên, mà ít nhất phải 5-10 năm sau. Nên ở thời điểm này, 9 môn tự chọn thực chất chỉ còn 6, trừ một số tỉnh thành lớn như Hà Nội và TPHCM. Đó là bất cập thứ nhất.

Trong 6 môn này, nếu học để thi, thì khối A sẽ chọn lý - hóa, khối C sẽ chọn địa, khối B sẽ chọn hóa - sinh. Các môn còn lại được chọn dựa trên khả năng tiếp cận thông qua kiến thức nền đã có ở cấp 2.

Nhưng bất cập thứ hai nảy sinh từ đây. Đó là trả lời cho câu hỏi, học để làm gì?

Học sinh tự chọn, nhà trường tự quyết

Theo UNESCO, học để biết, học để làm, học để xác lập mình và học để chung sống với người khác (Learning to know, learning to do, learning to be and learning to live together).

Nếu bạn chọn học để sống, thì môn học quan trọng bậc nhất là giáo dục kinh tế và pháp luật. Thiếu hai kiến thức nền tảng này, cuộc sống sẽ gặp rất nhiều rủi ro. Hãy nhìn các quan chức lên đến cương vị thứ trưởng một bộ, mà khi ra đến tòa nói là nhờ tạm giam nên đọc 2 bộ luật dân sự và hình sự mới biết mình phạm tội, để thấy mức độ quan trọng của nó.

Tuy nhiên, cũng như công nghệ, âm nhạc và mỹ thuật dù rất quan trọng với cuộc sống nhưng không có giáo viên nên đành phải bỏ, giáo viên môn giáo dục kinh tế và pháp luật hiện chỉ là giáo viên giáo dục công dân năm xưa.

Giáo dục công dân theo chương trình cũ là gì? Là họ không được đào tạo thực thụ để có kiến thức kinh tế - pháp luật tốt. Sách giáo khoa lại không tiệm cận với nhu cầu cuộc sống, mà chỉ giáo điều, cứng nhắc, đơn điệu và xa rời thực tiễn.

Thi tốt nghiệp THPT 2025: Tại sao loại bỏ môn tự chọn là mỹ thuật, âm nhạc? - 2

Giáo viên tham gia sự kiện ra mắt bộ sách giáo khoa mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (Ảnh: Mỹ Hà).

Không có giáo viên, chúng ta phải bỏ. Có giáo viên nhưng kiến thức không tốt, và chất lượng sách giáo khoa xa rời thực tiễn, thì chúng ta cũng nên cân nhắc khi lựa chọn. Bởi nếu dùng để thư giãn, xả stress thì được, nhưng dùng để hữu ích sau này thì không.

Giống như thế là môn tin học. Tin học là môn đặc thù, có ý nghĩa như ngoại ngữ trong thời hiện đại, ai cũng cần phải biết, ít hay nhiều. Nhưng giáo viên tin học thiếu trầm trọng ở cả ba cấp phổ thông. Trong trường hợp có đủ giáo viên đi chăng nữa, các trường cũng không có khả năng đáp ứng nếu đa số học sinh lựa chọn môn tin học. Đó là bất cập thứ 3: cơ sở vật chất.

Theo quy định, học sinh có quyền chọn 4 trong 9 môn tự chọn, nhưng thực tế nhà trường sẽ đưa ra các phương án tổ hợp môn tự chọn và học sinh chỉ được lựa chọn một trong các phương án đó. Bước tiếp theo, nhà trường đưa ra quyết định phân lớp dựa trên nguyện vọng của đa số học sinh chứ không theo, hay không thể đáp ứng tối đa nguyện vọng cá nhân.

Các trường phổ thông từ cấp 1 đến cấp 3, gần như tất cả đều thiết kế theo một chuẩn, chỉ khác nhau về kích thước bàn ghế. Cấp càng cao, bàn ghế càng lớn hơn. Nhưng chương trình giáo dục phổ thông mới lại đòi hỏi sự khác biệt, cả về chất cũng như về lượng, của cơ sở vật chất.

Một là đòi hỏi phải có các phòng học lớn như giảng đường đại học, nơi có thể cung cấp cho lớp học tín chỉ lên đến hàng trăm sinh viên nghe giảng.

Hai là đòi hỏi phải có trang thiết bị và công cụ dạy học cho các môn công nghệ, âm nhạc và mỹ thuật theo đúng nghĩa của nó.

Ba là đòi hỏi trang bị hệ thống công nghệ thông tin như ở các trường đại học, đảm bảo việc bố trí phòng, tiết, thời gian, địa điểm không bị chồng chéo, và cung cấp thiết bị nghe nhìn cho việc học online qua các màn hình lớn, khi phòng học không đủ rộng.

Bốn là phát sinh về bộ máy quản lý nhà trường, cần thiết phải có một phòng đào tạo như ở trường đại học, chứ không phải là giáo viên chủ nhiệm quản như hiện nay.

Theo tôi, sau khi ba bất cập nói trên được đáp ứng, khi đó, việc lựa chọn các phương án đánh giá năng lực tốt nghiệp mới hợp lý và tiệm cận với nhu cầu của xã hội lẫn học sinh. Còn trước mắt, đưa ra phương án nào cũng sẽ có hạn chế, thiếu linh hoạt, và rất có thể đánh mất phương hướng của học sinh theo thẩm quyền mà họ có, đó là được quyền chọn 4 môn trong 9 môn bắt buộc.

Nếu các em chọn âm nhạc và mỹ thuật thì sao? Rõ ràng là pháp luật không cấm, ngành giáo dục đưa ra, chương trình cải cách có, vì sao họ lại không được quyền chọn, không đánh giá năng lực của họ, khi mà nhu cầu trong tương lai của họ là trở thành ca sĩ, nhạc sĩ hay thành thợ vẽ?

Riêng đối với các đô thị lớn có nhiều trường đại học đóng trên địa bàn, như Hà Nội, TPHCM Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quy Nhơn, Cần Thơ, Đà Lạt, Vinh, tôi mong muốn việc phiên chế cấp 3 cho các trường đại học diễn ra càng sớm càng tốt.

Thậm chí sáp nhập cấp 3 trên địa bàn, giao cho họ quản lý, thay vì Sở GD&ĐT địa phương. Khi đó, sẽ giải quyết cơ bản một số vấn đề bất cập trong thực tiễn của giáo dục hiện nay.

Tác giả bài viết là ThS. Lê Dũng. Ông Lê Dũng có nhiều bài viết về giáo dục nhận được sự quan tâm rộng rãi của dư luận, trong đó có góp ý chỉnh sửa một số nội dung của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. 

Theo Dân trí

https://dantri.com.vn/giao-duc/thi-tot-nghiep-thpt-2025-tai-sao-loai-bo-mon-tu-chon-la-my-thuat-am-nhac-20230810135320190.htm

  • Từ khóa

Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT: Lưu ý các mục liên quan xét tuyển ĐH

Thí sinh đã trải qua những ngày đầu tiên của đợt đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Chỉ trong ngày đầu tiên, Hệ thống quản lý thi của Bộ GD-ĐT đã...
08:22 - 04/05/2024
88 lượt xem

Trường quốc tế phát sách 'nhạy cảm' cho học sinh lớp 11, Sở GD-ĐT TP.HCM nói gì?

Trưa 3.5, Sở GD-ĐT TP.HCM đã phát đi thông tin về việc phụ huynh học sinh một trường quốc tế phản ánh học sinh được phát sách đọc có nội dung nhạy cảm với...
17:09 - 03/05/2024
452 lượt xem

Học bạ dưới 5 điểm/môn cũng trúng tuyển đại học

Trong khi giáo dục phổ thông 'lạm phát' học sinh giỏi thì ở nhiều trường đại học, thí sinh chỉ cần có học bạ từ 5 điểm/môn (3 môn) là trúng tuyển, thậm...
15:10 - 03/05/2024
479 lượt xem

Lần đầu tiên, Trung Quốc yêu cầu du học sinh thi đầu vào mới được nhập học

Kỳ thi tuyển sinh ĐH này áp dụng với một số đối tượng nhất định, theo thông tin do Hội đồng xét duyệt học bổng Trung Quốc (CSC) thuộc Bộ Giáo dục Trung...
10:48 - 03/05/2024
645 lượt xem

Thành lập hàng chục đoàn thanh tra, kiểm tra kỳ thi tốt nghiệp THPT

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa phê duyệt kế hoạch kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
09:16 - 03/05/2024
649 lượt xem